[ad_1]
Ngây ngất cánh đồng lúa nghệ thuật
Khi tiếng ve báo hiệu mùa hè đến, cánh đồng lúa ở Tam Cốc (Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình) bắt đầu chín rộ. Mùa lúa chín ở Tam Cốc thường được gọi với những cái tên mang vẻ đẹp thanh cao như: Mùa vàng Tam Cốc, Sắc vàng Tam Cốc… Đây cũng là thời điểm khu du lịch nổi tiếng ở Ninh Bình đẹp nhất trong năm, thu hút nhiều du khách quốc tế đến tham quan.
Hai năm trở lại đây, mùa vàng Tam Cốc đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế khi tỉnh Ninh Bình tổ chức Tuần du lịch Ninh Bình với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An”. Nhìn từ trên cao, đồng lúa Tam Cốc như một dải lụa vàng trải dài hun hút. Sự uốn lượn của dòng sông Ngô Đồng, Cánh đồng lúa uyển chuyển theo dòng sông, bao bọc bởi dãy núi đá vôi cao thấp trùng trùng, điệp điệp như một bức tranh sơn thủy hữu tình, đẹp mê hồn. Dưới tia nắng đầu hè, Tam Cốc sáng bừng vẻ mộng mơ. Vẻ đẹp của những thảm lúa vàng và non nước, mây trời đan xen khiến nơi đây đẹp như bức họa thiên nhiên được chấm phá bởi vô số sắc màu.
Hai bên bờ sông Ngô Đồng, cánh đồng lúa chín trải dài vàng óng, sóng sánh, uyển chuyển theo dòng sông, bao bọc là những dãy núi đá vôi cao thấp trùng trùng trầm tư đổ bóng xuống mặt nước biếc. Những tia nắng lấp lánh xuyên qua cửa hang, những con thuyền nhẹ trôi vô cùng thơ mộng như một bức tranh sơn thủy hữu tình…
Để ngắm trọn cánh đồng lúa Tam Cốc mùa đẹp nhất trong năm, du khách sẽ phải trèo lên ngọn núi ở hang Cả. Từ ngọn núi này có thể phóng tầm mắt về phía hang Hai sẽ thấy toàn bộ màu vàng óng ả của lúa.
Khoảng thời gian chụp đẹp nhất là từ 9 – 11h để bắt được khoảnh khắc những con thuyền đang chở khách di chuyển dọc theo ruộng lúa vàng óng trên dòng sông Ngô Đồng.
Từ trên cao, hình lá cờ hội rộng hơn 10.000m2 có dòng chữ “Sắc vàng Tam Cốc” được tạo hình từ lúa đẹp như một bức tranh nổi bật trên sông Ngô Đồng. Đây là một trong những cánh đồng lúa nghệ thuật đầu tiên tại miền Bắc. Việc tạo hình độc đáo trên cánh đồng lúa Tam Cốc đã tạo thêm nét đẹp riêng, sự khác biệt cho cánh đồng lúa đang chín vàng đẹp bậc nhất Việt Nam và thu hút đông đảo khách du lịch vào những ngày gần đây.
Cánh đồng lúa ở Tam Cốc được biết đến là một trong những cánh đồng lúa đẹp nhất ở Việt Nam, từng xuất hiện trên báo chí thế giới. Năm 2015, Tam Cốc đã từng lọt top 15 địa danh “tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến” do tờ Telegraph (Anh) bình chọn. Đầu năm 2018, hình ảnh dòng sông Ngô Đồng như dải lụa mềm mại, nhẹ nhàng vắt lên thảm lúa vàng óng, uốn lượn quanh những ngọn núi ở Tam Cốc đã xuất hiện trên Tạp chí Business Insider khi đứng đầu danh sách 50 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2018.
Ngoài chiêm ngưỡng cánh đồng lúa chín, du khách được tham gia lễ hội rước rồng trên sông Ngô Đồng, được thưởng thức những làn điệu dân ca như hát chèo, ca trù… là những di sản phi vật thể của nhân loại trên dòng sông thơ mộng. Tuy Tam Cốc không rộng lớn, nhưng vùng đồng quê này mang một vẻ bình dị, êm đềm.
Ngây ngất cánh đồng lúa nghệ thuật hình lá cờ hội đang ngả sắc vàng. |
Du khách đi thuyền ngắm cánh đồng vàng tại sông Ngô Đồng- Tam Cốc. |
Những kiệt tác “treo” lưng chừng núi
Không chỉ có những cánh đồng lúa ỏng ả ở vùng non nước, ruộng bậc thang sóng sánh vàng ở trên miền núi cũng khiến hàng triệu du khách đắm say. Vùng núi cao Tây Bắc với thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ luôn mang đến những điều cuốn hút thú vị. Lịch sử hình thành ruộng bậc thang gắn liền với lịch sử và văn hóa cư trú của tộc người Mông, Dao, La Chí, Nùng… trên các địa danh Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì và Sa Pa. Những thửa ruộng bậc thang ở vùng núi này đã tồn tại hàng trăm năm do thiên nhiên và con người kiến tạo nên nhưng nó thật đẹp và hùng vĩ đến khó tả. Công việc khai khẩn được nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa như những kiệt tác “treo” trên các sườn núi.
Màu lúa vàng óng ánh trải khắp các thửa ruộng bậc thang, len vào từng sườn núi, lưng đồi trong ánh nắng như những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc vô cùng ấn tượng. Nhìn từ xa, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại như những tấm lụa vàng quấn quanh triền núi xanh, cũng có những đoạn xếp tầng, xếp lớp men theo sườn đồi, thấp thoáng trong mây trắng phủ mờ, bảng lảng tuyệt đẹp. Ngắm nhìn những ruộng bậc thang trổ vàng ấy trùng trùng điệp điệp rất kỳ vĩ và làm say đắm lòng người khiến ai cũng ao ước một lần được tận mắt ngắm nhìn.
Hằng năm, cứ vào mùa thu, mảnh đất Hoàng Su Phì trở nên đẹp mê hồn khi lúa trên những thửa ruộng bậc thang trải dài tít tắp, uốn lượn quanh những sườn đồi, lưng núi chuyển sang màu vàng óng ả. Đứng trên cao nhìn xuống, nơi đây tựa như một tấm thảm dát vàng, phảng phất hương thơm của lúa mới. Năm nay, du khách có thể ở nhà “lướt chuột” chiêm ngưỡng ruộng bậc thang đẹp như tranh thủy mạc lượn quanh ngọn núi cao xanh thẳm của núi rừng Tây Bắc hùng vỹ.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được công nhận Di tích danh thắng quốc gia, trải dài trên 6 xã: Bản Luốc, Sán Sả Hồ (bản người Dao áo dài và người Nùng); xã Bản Phùng (bản người La Chí); xã Hồ Thầu, xã Nậm Ty và xã Thông Nguyên (bản người Dao Đỏ). Ruộng bậc thang tại những khu vực này có quy mô lớn, ở bình độ cao, có hình dáng tự nhiên phong phú tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ mê hồn. Ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì ước tính có tuổi đời khoảng 300 năm, được khai phá, kiến tạo và mở rộng bởi công sức ngàn đời của 14 dân tộc anh em quần cư trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.
Ngoài Hoàng Su Phì (Hà Giang), những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và Y Tý, Sa Pa (Lào Cai) cũng say đắm lòng người. Từ khi bình minh vừa lên, sương sớm còn bảng lảng giữa không trung đến khi những ánh nắng đầu tiên trải vàng trên những “nấc thang bước lên cổng trời”, hay tới lúc xế chiều, mùi lúa chín thơm quyện với mùi khói bếp tỏa ra từ nóc nhà của bà con dân tộc ẩn hiện trong không gian bao la. Mỗi thời khắc Tây Bắc lại có một nét đẹp riêng khiến cho những ai đến đây đều không muốn dời bước đi. Xa xa, những cô gái mặc trang phục thổ cẩm với chiếc gùi trĩu nặng thóc nếp cắt sớm được mang về để làm cốm non đầu mùa. Đó là một vẻ đẹp khiến du khách, cư dân mạng như đang lạc với thế giới khác.
Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái) và Sa Pa, Ý Tý (Lào Cai) – những thắng cảnh ruộng bậc thang được Nhà nước công nhận là Danh thắng Quốc gia và được giới truyền thông quốc tế ca ngợi là đỉnh cao của vẻ đẹp kết tinh từ thiên nhiên văn hóa và lao động của con người Việt Nam.
Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn ruộng bậc thang Sa Pa (Việt Nam) nằm trong top 7 ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á và thế giới. Trang du lịch điện tử Thrillist (Mỹ) giới thiệu vùng núi Ý Tý (Lào Cai) là 1 trong “Kho báu huyền bí và được bảo tồn tốt nhất châu Á” …
Rất nhiều bức ảnh nghệ thuật đã được “ra lò” và đạt giải cao trong các cuộc thi nhiếp ảnh quốc gia và quốc tế. Tác phẩm “Ruộng bậc thang trên Mù Căng Chải” của Mai Thiên Bùi đã đạt đến 3 giải thưởng quốc tế, bao gồm: Huy chương Vàng PSA trong cuộc thi “1st dpa international circuit 2015”, Huy chương Vàng FIAP với chủ đề “Open color” trong cuộc thi “Vojvodia Circuit ” và Huy chương Vàng trong cuộc thi ảnh vòng “3 rd rtanj digital circuit 2015”.
Trong bất kì thời điểm nào, dù là bình minh hay hoàng hôn, ruộng bậc thang cũng hiện lên vô cùng nên thơ, trữ tình. Ngoài ngắm vẻ đẹp mê hoặc của ruộng bậc thang, đến Tây Bắc, du khách, cư dân mạng còn được thưởng thức những nét văn hóa khác nhau, từ cách sống, phong tục tập quán đến ẩm thực và nhiều điều thú vị khác của Tây Bắc. Đó là những ngôi nhà trình tường của người dân tộc Hà Nhì, tới nhà sàn người Mông, người Thái, ngắm những hàng dậu xây nên từ đá và gỗ kỳ công, nhấp chút rượu ngô do dân bản tự nấu thơm lừng và thưởng thức những món ăn đậm bản sắc dân tộc… Du khách còn được đắm chìm vào loại hình dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc, như hát giao duyên, ném còn, múa khèn, chơi quay, kéo co, múa sạp… Những kỳ quan ruộng bậc thang này là sản phẩm du lịch độc đáo, là niềm tự hào của người dân vùng cao Tây Bắc.
[ad_2]
Source link