[ad_1]
Tìm đến “thú lạ” sau nhiều lần khởi nghiệp thất bại
Sống trên đất Hướng Phùng nổi tiếng với thương hiệu cà phê, năm 2017 Nguyễn Thị Thanh (30 tuổi, thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa) từng khởi nghiệp bằng cây cà phê. Tuy nhiên năm đó cà phê ở đây rớt giá thảm hại, Thanh phải tìm cách cứu vớt tình hình kinh tế gia đình.
Cô gái 9X đã bước đầu thành công trong việc đem hươu sao lên vùng núi Quảng Trị |
Gặp khó trong việc trồng trọt, Thanh chuyển sang chăn nuôi. Ban đầu Thanh nuôi heo, dê, gà… nhưng lợi nhuận mang lại không cao. Năm 2018, biết được mô hình nuôi hươu sao lấy nhung đem lại hiệu quả kinh tế cao, Thanh bắt đầu tìm hiểu.
Thời gian đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có duy nhất trang trại nuôi hươu sao tại huyện Cam Lộ. Thanh đến tìm hiểu cách nuôi, rồi nhập một đàn 6 con với hơn 100 triệu đồng tiền vốn.
Hươu sao là loài vật nuôi Thanh tìm hiểu sau nhiều lần khởi nghiệp thất bại |
“Vì hươu đã được chăm sóc, thích nghi phát triển ở trang trại cũ, nên sau 6 tháng hươu về sống tại trang trại ở Hướng Phùng tôi thu về mẻ nhung hươu đầu tiên. Nhưng sau mẻ nhung đó, hươu bắt đầu kém phát triển, mắc bệnh”, Thanh chia sẻ.
Không bỏ cuộc
Thất bại trong việc cho hươu thích nghi ở môi trường sống mới nhưng Thanh không nản. Chị tìm hiểu thêm cách nuôi và lặn lội ra tận Hương Khê, huyện vùng núi của Hà Tĩnh được mệnh danh là thủ phủ của loài hươu sao.
Cô gái nhà nông ở Quảng Trị ra Hà Tĩnh học một khóa tập huấn về cách chăm sóc cho hươu phát triển tốt, sinh sản được ở vùng núi.
Bên cạnh cho ăn bột, cám, mỗi ngày Thanh đều lên rẫy hái lá cây về cho hươu ăn để có đủ chất dinh dưỡng |
Mất nửa năm để Thanh vừa tìm hiểu cách nuôi vừa chạy vạy khắp nơi để kiếm nguồn vốn. Tháng 8.2020, Thanh được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng chính sách, liền nhập đàn hươu sao 20 con với số vốn lên tới 300 triệu đồng.
“Với những gì đã học được và kinh nghiệm rút ra từ thất bại lần trước, lần này tôi đã thành công cả trong việc lấy nhung và cho hươu sinh sản. Đàn hươu lần này có cả hươu con nhưng đến nay chúng đều phát triển khỏe mạnh, một tháng trước chúng còn sinh ra hươu con đầu tiên”, chị nói.
\n
Sau thành công bước đầu, cô gái nhà nông Nguyễn Thị Thanh đang ấp ủ về một thương hiệu rượu nhung hươu cho trang trại của mình |
Thanh chuyển từ nuôi đơn lẻ (mỗi con một chuồng) sang nuôi bầy đàn trong nhà được xây dựng kiên cố, kín gió. Hươu được cho ăn cám chuối, bột bắp… cùng với việc thường xuyên vệ sinh chuồng. Những con mới về được nuôi tách biệt một thời gian rồi mới cho nhập đàn, những con mang bệnh cũng được tách riêng chăm sóc.
Những cặp nhung hươu mà Thanh thu hoạch |
Thanh cho biết, để thu được nhung hươu phải mất từ 6-8 tháng kể từ khi sừng hươu bung nắp. Trung bình mỗi con hươu sẽ thu được 400 gram nhung/năm và có giá bán từ 13 -15 triệu đồng/kg. Đến nay, Thanh đã bán được gần 10kg nhung với doanh thu hơn 100 triệu đồng sau hơn 1 năm.
Với đà phát triển này, trong tương lai gần Thanh dự định sẽ dùng nhung hươu để sản xuất thương hiệu rượu nhung cho trang trại của mình. Thanh cũng cho biết sẽ tiếp tục chăm sóc cho hươu sinh sản, bán giống với giá mỗi con 20 triệu đồng.
Không bỏ cuộc, Thanh đã có những thành quả ban đầu nhờ nuôi hươu |
Ông Hà Ngọc Dương, Phó chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, nhìn nhận đây là mô hình còn khá hiếm trên địa bàn xã. Hươu như là một loài “thú lạ”, ít người nuôi. “Tuy nhiên, nuôi hươu lấy nhung và bán giống nếu thành công sẽ thu lại lợi nhuận rất cao. Chính quyền địa phương rất ủng hộ các hộ dân tiếp tục nghiên cứu, mở rộng mô hình để trong tương lai Hướng Phùng không chỉ nổi tiếng với cà phê mà còn biết đến sản phẩm từ nhung hươu”, ông Hà Ngọc Dương nói.
[ad_2]
Source link