[ad_1]
Đình An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì – nơi thờ Hùng Duệ Vương
Phú Thọ hiện có 345 di tích thờ cúng Hùng Vương (trong đó có 35 di tích thờ Hùng Vương, 310 di tích thờ nhân vật thời Hùng Vương).
13 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đều có các di tích thờ cúng Hùng Vương và thờ cúng các nhân vật thuộc thời đại Hùng Vương. Một số địa phương có nhiều di tích thờ cúng Hùng Vương như: Việt Trì 49 di tích, Cẩm Khê 43 di tích, Lâm Thao 37 di tích, Thanh Thủy 37 di tích, Phù Ninh 33 di tích, Thanh Ba 31 di tích, Tam Nông 22 di tích…
Hằng năm, vào ngày Giỗ tổ mùng 10/3 âm lịch, cùng với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tại các di tích này đều đồng loạt tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng theo nghi thức truyền thống. Lễ dâng hương tại các di tích được tiến hành trang nghiêm, thành kính nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và bậc tiền nhân; tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”; giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ con cháu mai sau.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Xuân Hội – Trùm phường Xoan Phù Đức, thủ từ miếu Lãi Lèn (làng Phù Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) cho biết: Miếu Lãi Lèn vốn là ngôi miếu cổ, thờ Tam vị Vua Hùng và các đấng Thần linh, Thành hoàng, Thổ địa. Đây được coi là “nhà hát lớn” đầu tiên của Việt Nam thời Văn Lang, cũng là nơi phát tích của Hát Xoan gắn truyền thuyết dân gian với huyền thoại Vua Hùng đi tìm đất xây thành. Theo phong tục từ xa xưa, nghi lễ dâng hương, tế các Vua Hùng được nhân dân Kim Đức thực hiện tại miếu Lãi Lèn 3 lần trong năm vào dịp tết Nguyên đán, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3 và ngày tiệc làng 12/9 âm lịch.
Các nghệ nhân của phường Xoan Phù Đức thực hiện nghi thức hát thờ Vua tại miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) vào dịp Giỗ Tổ mùng 10/3 năm 2021
Cùng với lễ dâng hương Giỗ Tổ mùng 10/3, hằng năm vào các ngày lễ chính, tại các địa điểm có di tích đều diễn ra các hoạt động tín ngưỡng dân gian và văn hóa dân gian rất đa dạng, phong phú như các lễ hội, diễn xướng dân gian, trình diễn các làn điệu dân ca Xoan, Ghẹo tạo thành không gian thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tới tham dự.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đình An Thái (xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì), cụ Nguyễn Tiến Tường – Thủ từ Đình An Thái cho biết: Lễ hội Đình An Thái được tổ chức vào mùng 1 tháng Giêng hằng năm, có trình diễn Hát Xoan và tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, đu tiên… Đặc biệt, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Đình An Thái đều tổ chức dâng hương và trình diễn hát Xoan để tỏ lòng thành kính, biết ơn các vị Vua Hùng đã có công dựng nước và cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con dân được hưởng bình an.
Nghi lễ tế các Vua Hùng tại Đình Hùng Lô vào ngày 10/3 năm 2021
Còn tại Đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì), vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hằng năm, đến đình Hùng Lô, du khách sẽ được hòa mình trong lễ rước kiệu với trên 200 nam trung tham gia, đi đến đâu náo động cả một vùng đến đó. Cuộc rước sẽ đi từ đình làng đến Đền Hùng; trở về từ Đền Hùng, các lễ tế tại đình làng mới được tiến hành, sau cùng là thụ lễ tại nhà Yến lão. Và đặc biệt, Đình Hùng Lô trong những năm gần đây đã trở thành địa điểm biểu diễn chương trình Hát Xoan làng cổ, sản phẩm đặc trưng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế mỗi khi về đất Tổ.
Gắn liền với thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước, Đền Lăng Sương (xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy) được biết đến là ngôi đền duy nhất hiện nay thờ cả gia đình Đức Thánh Tản Viên Sơn – vị Thánh đứng đầu “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian thờ thần của người Việt.
Nghi lễ truyền thống “rước nước” tại Lễ hội Đền Lăng Sương được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020
Lễ hội Đền Lăng Sương được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm với bản sắc độc đáo mà lễ hội khác không có được như tục “rước nước” về đền, tục rước Thánh, trò chạy quân, lễ tế bò… Sự gắn kết giữa lễ nghi, trò diễn, truyền thuyết và di tích hết sức mật thiết của Lễ hội Đền Lăng Sương làm nên một lễ hội dân gian đặc sắc, nổi tiếng của vùng núi Tản, sông Đà, thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh của dân tộc đối với Đức Thánh Tản, đồng thời bổ sung cho tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt.
Đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì) nơi thờ tự Vua Hùng và danh tướng thời Hùng Vương
Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng tại các di tích, trong những năm gần đây, công tác tu bổ, tôn tạo các di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương được quan tâm, góp phần tạo không gian thực hành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 10 năm qua toàn tỉnh đã có gần 55 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương đã được tu bổ, tôn tạo. Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Các di tích thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh chính là bằng chứng sinh động và đầy sức thuyết phục về sự bảo lưu và phát triển của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt, khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân đất Việt.
* Tiêu đề bài viết do Báo Pháp luật Việt Nam đặt lại
[ad_2]
Source link