[ad_1]
Sẵn sàng đón du khách trở lại
Tại Nghệ An, sau một thời gian phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến thời điểm hiện nay, nhiều điểm du lịch cộng đồng, các homestay trên địa bàn miền Tây Nghệ An đã sẵn sàng để đón tiếp du khách trở lại.
Chị Lang Thị Tâm – Chủ nhiệm HTX du lịch cộng đồng Hoa Tiến (Châu Tiến, Quỳ Châu), một điểm du lịch cộng đồng dân tộc Thái nổi tiếng ở Quỳ Châu cho biết: Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, các homestay trong HTX đã linh hoạt chuyển đổi sang nhiều hoạt động khác để duy trì sự tồn tại, như dệt thổ cẩm, tổ chức dịch vụ ẩm thực. Hiện nay, khi ngành du lịch đang từng bước mở cửa để đón khách du lịch quốc tế, các homestay cũng đang sửa sang lại để đảm bảo đáp ứng các dịch vụ một cách tốt nhất khi có du khách ghé thăm.
Khu vực miền Tây Nghệ An gồm 11 huyện, thị với 6 dân tộc anh em sinh sống. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, sự đa dạng về phong tục, tập quán, là tiềm năng to lớn cho việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Hiện nay, khu vực này có 6 huyện đã xuất hiện loại hình du lịch bằng homestay gắn với du lịch cộng đồng, như: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Quỳ Châu, Quế Phong.
Trong khi đó, tại Ninh Thuận, nhớ văn hoá Chăm độc đáo, địa phương này chú trọng phát triển du lịch gắn với kết nối văn hoá vùng. Làng Chăm Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước được đông đảo du khách biết đến với nhiều dịch vụ độc đáo và địa điểm du lịch lý tưởng, nổi tiếng nhất là đồi cát Nam Cương. Thôn có hơn 500 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi.
Du khách đến với làng Tuấn Tú không chỉ được tham gia chương trình biểu diễn văn nghệ, trải nghiệm cuộc sống thường ngày với người dân bản địa như: trồng rau sạch, cho dê cừu ăn… mà còn được chiêm ngưỡng, hòa mình vào thiên nhiên trong lành và thỏa thích sáng tác ảnh nghệ thuật tại đồi cát Nam Cương.
Du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh và đem lại lợi nhuận đáng kể cho các hộ người Chăm ở Tuấn Tú nói riêng, vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận nói chung nhờ sự kết hợp độc đáo giữa du lịch với quảng bá văn hóa dân tộc.
Đảm nhận vai trò hướng dẫn viên du lịch của thôn Tuấn Tú và người mẫu ảnh nghệ thuật cho các đoàn khách du lịch tại địa phương, chị Châu Thị Thùy Vân cho biết mỗi tháng chị đón gần 10 đoàn khách du lịch, mỗi đoàn từ 8-10 người. Bình quân một tour tham quan, trải nghiệm trồng rau, thăm đàn cừu và chụp ảnh lưu niệm trên cát trong khoảng 2-3 tiếng, chị Vân được trả thù lao 300.000 đồng – 400.000 đồng/giờ. Theo chị Vân, làm công việc này cần đi vào chiều sâu, khai thác văn hóa Chăm như các phong tục Lễ trưởng thành của người Chăm theo đạo Bà Ni hay các lễ hội trên tháp Chăm, lễ hội Kate…
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Chi hội Cộng đồng du lịch Việt Nam cho biết, hoạt động du lịch cộng đồng ở một số địa phương hiện nay đang có chiều hướng phát triển. Với chính sách mở cửa du lịch, đất nước bước vào trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp đang bắt đầu khởi động lại các chương trình du lịch, các dịch vụ lộ tuyến trình, tuyển dụng thêm nhân sự cho ngành dịch vụ này.
Theo ông Quỳnh, để phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS tốt hơn trong thời gian tới, việc đầu tiên phải có sự phân tích và chọn lọc của những chuyên gia về du lịch cộng đồng, về văn hóa. Qua đó, tiếp tục nghiên cứu, biến những giá trị văn hóa thành những sản phẩm du lịch, từng bước thực hiện chủ trương lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn cho cộng đồng.
Và những kích hoạt mở cửa
Mới đây, tỉnh Bắc Giang cũng đưa ra kế hoạch phát triển loại hình du lịch cộng đồng trong thời gian tới. UBND tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 có các khu, điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) với các sản phẩm đặc thù. Tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển 2 mô hình thí điểm tại huyện Lục Ngạn, tiếp tục hỗ trợ các điểm hiện có. Phấn đấu đạt 2 triệu lượt du khách, trong đó khách lưu trú 1 triệu lượt người, doanh thu hơn 100 tỷ đồng, số lao động trực tiếp hơn 2 nghìn người.
Đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang nhân rộng các điểm DLCĐ tại huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Việt Yên và Sơn Động. Tiếp tục hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng khác, đặc biệt là 20 điểm du lịch cộng đồng vùng cây ăn quả Lục Ngạn. Chỉ tiêu khách du lịch đạt 3 triệu lượt người, trong đó khách lưu trú đạt 2 triệu lượt người. Doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm (nếu kiểm soát được COVID-19).Tổng số lao động trực tiếp đạt trên 5.000 người. Phấn đấu đến hết năm 2030 các điểm du lịch cộng đồng và thăm quan vùng cây ăn quả có đủ điều kiện đón ít nhất 1,0 triệu lượt khách/năm, trong đó có 10 nghìn khách quốc tế.
Nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, UBND TP Hà Nội vừa lên kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn này mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”, phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân – hợp tác xã – hộ kinh doanh -doanh nghiệp. Thành phố sẽ triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Thành phố sẽ tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; lựa chọn phát triển một số mô hình điểm về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cảnh quan nông nghiệp, du lịch ẩm thực, văn hóa lễ hội làng quê, mô hình homestay tại các làng nghề nông nghiệp về trồng trọt sạch an toàn, hữu cơ tại các vùng ngoại thành theo các nhóm như điểm đến du lịch nông nghiệp; điểm đến du lịch làng nghề, ngành nghề nông thôn; điểm đến du lịch văn hóa tâm linh.
Thành phố khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đầu tư xây dựng một số mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục – du lịch học đường, du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực… ; phát triển kinh tế du lịch tại các xã có làng nghề, sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với các xã có chợ truyền thống, chợ chuyên doanh.
Du lịch cộng đồng khởi sắc. (Ảnh minh họa) |
Ngành du lịch Thừa Thiên – Huế đang xây dựng các chương trình kích cầu, thu hút khách du lịch nội địa. Các tour du lịch trong và ngoài tỉnh đã bán ra thị trường. Hội Lữ hành tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức đoàn famtrip, khảo sát sản phẩm mới tại Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô, tiến hành kết nối triển khai các tour đi A Lưới, phá Tam Giang…
Ông Trần Hữu Thùy Giang – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng xây dựng các sản phẩm mới như Phố đêm Hoàng Thành, chợ đêm Đông Ba cùng hàng loạt các điểm du lịch thư giãn cộng đồng dọc hai bờ sông Hương để thu hút du khách.
Ông Trần Hữu Thùy Giang nói: “Để chuẩn bị cho quá trình mở cửa toàn diện trở lại thì phải tập trung vào dịch vụ và sản phẩm mới. Một trong những điểm nhấn của năm nay đó là mở cửa phố đêm Hoàng Thành, gắn với mở cửa các dịch vụ và mở cửa Đại Nội về đêm. Trung tâm Bảo tồn Di tích đang phối hợp với thành phố rất chặt chẽ để có các sản phẩm mới. Thứ hai là sở cũng tập trung sắp xếp và hướng dẫn lại các mô hình khai thác dịch vụ suối thác ở các điểm du lịch cộng đồng”.
[ad_2]
Source link