[ad_1]
“Mái tóc tiên” bồng bềnh bên triền núi
Thác Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm huyện khoảng 20km. Thác Bản Giốc có vẻ đẹp đan xen giữa hùng vĩ, dữ dội với nét mộng mơ hiền hòa và trữ tình sâu lắng.
Điểm thu hút, thác không chảy thẳng một dải từ trên xuống mà có những mô đất mấp mô, thành nhiều tầng, nhiều lớp, khiến nước sông Quây Sơn chảy qua đây chia tách thành nhiều dải như những “mái tóc tiên”, tạo thành một mảng trắng xóa giữa đất trời Cao Bằng, xen giữa màu xanh núi rừng.
Từ tháng sáu đến tháng chín hàng năm, thác Bản Giốc lại đón những cơn mưa rào, khiến dòng nước chảy càng ồ ạt, xiết mạnh đổ xuống tung bọt trắng xóa. Nhiều người cho rằng đây chính khoảng thời gian lý tưởng nhất để ngắm dòng thác cuộn chảy với sự sống đầy cuồng nhiệt.
Khoảng tháng chín trở đi là lúc thác Bản Giốc bước vào thu, trời trong xanh, mát dịu, cánh đồng lúa với những thửa ruộng bậc thang vàng óng, bồng bềnh trong gió heo may rồi vờn hoa tam giác mạch trắng mãn khai, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, tạo nên một khung cảnh lãng mạn. Dòng sông Quây Sơn mơ màng như tiên nữ với đôi mắt sóng sánh một màu xanh ngọc. Chiều bảng lảng, dòng thác soi dáng, e ấp bên triền núi. Những ngày nắng thu, trong gió nhẹ, dòng thác nổi bật với 7 sắc cầu vồng huyền ảo, rất đẹp và rất thơ. Khói lam chiều bên bếp lửa hồng ở những bản làng người dân tộc Tày, Nùng, lãng đãng bên thác làm nên một nét đẹp quyến rũ.
Du khách dạo chơi trên chiếc thuyền bè mộc mạc ngắm vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa hùng vĩ của thác, đưa tay ve vuốt li ti giọt nước trắng ngần của “mái tóc tiên”, hít thở bầu không khí trong lành cùng làn hơi nước mát rượi. Để thỏa sự trải nghiệm, du khách leo lên phía trên sườn núi để ngắm dòng thác từ trên cao tuôn đổ, ngắm “mái tóc tiên” mềm mại uốn lượn giữa sắc xanh bạt ngàn của núi rừng miền biên viễn.
Thác Bản Giốc chính là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ tạo nên những kiệt tác nghệ thuật hội họa hay những bức ảnh đẹp xuất thần. Toàn cảnh thác cho người ta cảm nhận được sự đơn sơ, hoang dã nhưng lại hoang dại đến choáng ngợp tâm trí. Nước thác lúc cuồn cuộn, lúc lại hiền hòa, dịu êm.
“Kho báu” của miền non nước
Sau khi ngắm thác Bản Giốc, du khách ghé thăm vào làng đá Khuổi Ky (Suối Nhỏ) của người dân tộc Tày. Ngôi làng trải rộng khoảng 1ha, với 14 nóc nhà trong thế lưng tựa vào núi, mặt hướng về dòng suối Khuổi Ky.
Nhà sàn đối với người Tày Trùng Khánh là một miền thiêng – nơi cất giữ những nét đặc trưng trong đời sống vật chất và tinh thần truyền thống qua bao thế hệ. Đặc biệt, trong tâm thức của người Tày, đá được coi là vật liệu gần gũi và quan trọng. Những ngôi nhà sàn vẫn giữ được nét nguyên sơ, mang dáng dấp cổ xưa từ thời nhà Mạc, tạo nên nét cổ kính nhuốm màu huyền thoại cho ngôi làng vùng biên giới này. Những bức tường đá kiên cố ở đây được xếp chèn bằng những viên đá hộc nhiều kích cỡ và được kết dính bằng hỗn hợp đá vôi trộn cát. Nhà được lợp kiểu mái ngói âm dương. Nhà đá thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.
Du khách đi qua những chiếc cổng bằng đá được trang trí bằng những chậu hoa rừng, bước lên từng bậc thang đá sẽ bị mê hoặc bởi bên trong căn nhà xuất hiện với những cột gỗ thẳng hàng, trần và sàn nhà đều được người dân tộc Tày làm bằng gỗ. Tại Tày’s Homestay, những cô gái Tày mặc trang phục thổ cẩm nhuộm chàm cùng chiếc vòng bạc duyên dáng, miệng tươi như đóa hoa sương sớm, chào đón du khách bằng tiếng hát Then, đàn Tính: “Cao Bằng gạo trắng nước trong. Gạo trắng để nuôi dòng sữa mẹ, Nước trong em uống ngọt lời Then…”. Những bài hát: “Ánh trăng Bản Giốc”, “Xuân về non nước Cao Bằng”. “Tàng mừa Bản Noọng (Đường về bản em)” ngọt ngào cùng chén rượu ngô cay nồng khiến du khách chếnh choáng men say.
Tiếng hát Then, đàn Tính cùng ẩm thực người Tày làng Khuổi Ky hấp dẫn du khách. |
Du khách được lắng nghe những câu chuyện đậm chất huyền thoại về sự hình thành các địa danh, về phong tục tập quán… Người ta kể rằng, xưa kia có một thiếu nữ Tày vô cùng thùy mị, nết na và đặc biệt có một vẻ đẹp sắc nước, hương trời. Đến tuổi cập kê, cô gái bị bắt để tiến cử cho bậc vua chúa và trót lọt vào mắt xanh của một vị hoàng tử. Tuy nhiên, cô gái đã dũng cảm bỏ trốn để được chung sống cùng với người yêu mình. Hai người chạy tới Bản Giốc thì đã thấm mệt và quyết định nghỉ chân tại khe suối. Họ dành cả đêm để trút bầu tâm sự và chia sẻ những cay đắng khi buộc phải xa cách. Nhưng do thời tiết quá lạnh và cũng quá kiệt sức, họ ôm chặt nhau và lịm đi chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Sau đó, trời mưa tầm tã suốt mấy tuần trời, và chẳng ai còn nhìn thấy bóng dáng cặp uyên ương kia nữa. Người dân thương tiếc cho cặp đôi, liền đặt tên ngọn thác là thác Bản Giốc. Giữa 3 tầng thác có 2 tầng thác ôm nhau quấn quýt, giống hình ảnh cô gái Tày xinh đẹp trong vòng tay người yêu. Còn dòng thác còn lại, nước chảy hung tợn giống với hình ảnh vị hoàng tử năm nào…
Ẩm thực đậm đà của người Tày làng Khuổi Ky trên thác Bản Giốc cũng hớp hồn du khách: Cá trầm hương sông Quây Sơn hấp, cá suối nướng chiên giòn, gà bản, vịt cỏ thả sông, lợn bản treo bếp, lạp sườn hun khói, bánh trứng kiến, vịt quay 7 món, xôi trám, lạp xưởng hun khói xôi nếp cẩm, nếp ong Trùng Khánh, dạ yến, thịt trâu gác bếp, rau ngót rừng, măng rừng…
Chị Kim Phương (Tày’s Homestay) cho hay, ở làng Khuổi Ky, du khách có thể thưởng thức văn hóa, ẩm thực, hòa cũng tiếng hát Then, đàn Tính với bà con người Tày, tay trong tay nhảy sạp bên ánh lửa bập bùng lửa trại, hay tắm mình với thảo dược quý. Du khách tự tay làm lạp xưởng hun khói Cao Bằng bên bếp lửa người Tày. Sáng sớm, khi thác Bản Giốc đón ánh bình minh, du khách thong dong đạp xe thăm làng, thả hồn trong khung cảnh rừng già xanh bạt ngàn, trám trắng, trám đen xen lẫn mỏm đá tai mèo, được trải nghiệm làm nông dân trồng ngô trên nương rẫy…
“Chưa đi thác Bản Giốc thì chưa tới Cao Bằng!”. Đó là lý do, hàng năm, thác Bản Giốc đón hàng nghìn lượt du khách tới thưởng lãm. Đặc biệt, đối với những người ưa du lịch mạo hiểm, thích ngắm nhìn những khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên thì thác Bản Giốc chính là một điểm đến lý tưởng, một trải nghiệm khó quên trong đời.
Sau chuyến viễn du, đắm mình với cảnh đẹp thác Bản Giốc, thả hồn bản sắc dân tộc người Tày, du khách thấy bâng khuâng một niềm nhớ để thêm yêu những danh thắng, văn hóa độc đáo trên dặm dài đất nước hình chữ S.
Thác Bản Giốc nằm trong tuyến trải nghiệm phía Đông của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng. Với vẻ đẹp kỳ vĩ hiếm có, thác Bản Giốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia theo Quyết định số 989/QĐ-BVHTTDL ngày 20/5/1998; là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á; thác còn lọt vào top 10 thác đẹp nhất thế giới và là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác lớn có đường biên giới giữa các quốc gia, đứng sau thác Iguazu (giữa Brazil và Argentina), thác Victoria (giữa Zambia và Zimbabue) và thác Niagara (giữa Hoa Kỳ và Canada).
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc. Từ đây, “hòn ngọc quý” nơi biên viễn của Tổ quốc như được bừng sáng, điểm tô thêm vẻ đẹp của mảnh đất cách mạng Cao Bằng.
Thùy Dương
[ad_2]
Source link