Búng Bình Thiên nghĩa là Hồ nước bình yên của ông Trời ban cho, Hồ nước Trời, hoặc theo cách gọi của người dân địa phương là Búng (hồ nước), thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, vùng đầu nguồn Sông Cửu Long.
Tóm Tắt Nội Dung
Hồ Búng Bình Thiên Có Gì Chơi?
Búng Bình Thiên Ở Đâu
Búng Bình Thiên nằm ở phía Bắc huyện An Phú, thuộc khu vực giáp ranh của các xã Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái.
Búng gồm 2 hồ nước là Búng Lớn và Búng Nhỏ. Búng Nhỏ còn khá ít nước nên người ta thường ám chỉ Búng Lớn khi nói về Búng Bình Thiên (gọi tắt là Búng).
Búng là một hồ nước lớn, thông với sông Bình Di ở một con rạch nhỏ, nhưng không thông với sông Hậu.
Đặc Điểm Thú Vị
Theo sách Địa chí An Giang, hồ gồm Búng Bình Thiên lớn và nhỏ, nằm giữa 2 sông Bình Di và sông Hậu tại các xã Khánh Bình, Nhơn Hội và thị trấn Long Bình (đều thuộc huyện An Phú).
Điều này chưa đúng, vì theo người dân tại đây, khu vực được gọi là Búng Bình Thiên gồm: Búng Bình Thiên (người dân nơi đây gọi là Búng Lớn) và Búng Nhỏ, nằm giữa Sông Hậu và sông Bình Di (là một nhánh của Sông Hậu, chảy từ thị trấn Long Bình – huyện An Phú đến thành phố Châu Đốc – trở lại đổ vào Sông Hậu tại ngã ba sông Châu Đốc, tạo thành vòng đai sông bao quanh huyện An Phú, tỉnh An Giang).
Khu vực Búng gồm một phần diện tích của 3 xã: Nhơn Hội, Khánh Bình và Quốc Thái (đều thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang).
Trong đó, Búng Lớn có diện tích mặt nước trung bình là 193 ha, độ sâu trung bình là 6 m; Búng Nhỏ có diện tích mặt nước trung bình là 10 ha, độ sâu trung bình là 5 m.
Với diện tích như vậy, nơi này được coi là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây Nam Bộ.
Đến nay, hiện tượng nước hồ luôn trong xanh (trong khi các kênh rạch ở gần đó nước lại đục ngầu phù sa), và nước ở hồ cứ dâng lên rồi hạ xuống chứ không chảy.
Nước trong Búng thường trong xanh, không bị vẫn đục phù sa có lẽ do cấu tạo như một túi nước của Búng, chỉ thông với sông Bình Di theo hướng ngược dòng nên không bị dòng chảy làm xáo động.
Nguồn Gốc Tên Gọi
Về từ Búng: hiện chưa có nhà chuyên môn nào giải thích. Tuy nhiên, tra trong sách Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển thì thấy có từ “bưng”. Từ này gốc Khmer (trapéang) lần hồi được Việt hóa (bưng), và nó có nghĩa là: “vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm ở nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ”…(nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 78). Vậy, “búng” ở đây có phải là do từ “bưng” nói trại ra hay không, cần phải truy cứu thêm.
ត្រពាំង ( n ) [trɑpeaŋ]: ao hồ, đầm lầy, vịnh
Về từ Bình Thiên thì hiểu nôm na Bình là bình yên, Thiên là trời, tự nhiên. Nên từ đó mới có cách nghĩ Búng là Hồ nước Trời, hồ nước tự nhiên.
Chưa rõ chữ Thiên (trời, tự nhiên) có bị biến âm từ chữ Thiêng (linh thiêng) hay không. Nếu dựa theo truyền thuyết về vua Gia Long và sự trong trẻo kì lạ của nước trong hồ thì có thể đây là hồ nước linh thiêng, hay Búng Bình Thiêng.
Theo Địa bạ triều Nguyễn năm 1832 thì khu vực này xưa kia được gọi là Bình Tiên 平仙 (chốn tiên cảnh bình yên).
Trong bài viết Huyện An Phú trong Địa bạ triều Nguyễn, đoạn nói về thôn Khánh An và Vĩnh Khánh có mô tả rõ như sau:
Khánh An thôn 慶安 ở xứ Bình Tiên
Đông giáp sóc Kỳ, lại giáp vũng nhỏ Bình Tiên
Tây giáp thôn Vĩnh Khánh, có rạch thông lưu Bình Tiên làm giới
Nam giáp địa phận sóc Đéc
Bắc giáp sông lớn
Vĩnh Khánh thôn 永慶 ở xứ Bình Tiên Thượng
Đông giáp thôn Khánh An, có rạch thông lưu Bình Tiên làm giới -Tây giáp rừng
Nam giáp sóc Thát Mây
Bắc giáp sông lớn
Như vậy từ lúc lập địa bạ thời Minh Mạng, hồ nước đã có tên ban đầu là Bình Tiên 平仙 chứ không phải Bình Thiên. Theo năm tháng, Bình Tiên bị gọi thành Bình Thiên.
Chưa rõ vì sao có sự thay đổi Bình Tiên thành Bình Thiên. Tuy nhiên có thể khẳng định từ năm 1965, địa danh Bình Thiên đã hoàn toàn thay thế tên gốc Bình Tiên. Trong cuốn hồi kí của Daniel Marvin , một lính mũ nồi xanh Hoa Kỳ tham chiến ở An Phú năm 1965, ông đã ghi rất rõ tên gọi “Lake Thien Lon” (Hồ Bình Thiên Lớn), “Binh Thien lake” (Hồ Bình Thiên).
Ngoài ra ở An Phú còn có địa danh Cồn Tiên (xã Đa Phước). Chưa rõ Bình Tiên và Cồn Tiên có liên quan gì nhau hay không…
Sự Tích Búng Bình Thiên
Có một số truyền thuyết dân gian về địa điểm thú vị này. Đương nhiên, các câu truyện đều do người đời đặt ra, cốt để nói lên sự linh thiêng và kì bí của hồ nước.
Tây Sơn
Tương truyền, cuối thế kỷ18, tướng nhà Tây Sơn là Võ Văn Vương (hoặc Võ Duy Dương) kéo quân về An Giang và ông chọn khu vực Búng Bình Thiên hiện nay làm căn cứ để tích trữ lương thực và luyện tập binh sĩ.
Thời điểm đó, khu vực này chỉ là một vùng đất khô cằn, Võ Văn Vương đã làm lễ tế cáo Trời – Đất xin ban nguồn nước để sinh hoạt. Sau khi khấn vái xong, ông rút gươm đâm xuống lòng đất trũng, cầu thủy dâng lên.
Lạ thay, khi lưỡi gươm vừa cắm xuống mặt đất thì một dòng nước ngọt trong vắt phun lên rất cao. Theo thời gian nước tràn ngập thành hồ như ngày nay. Ông Võ Văn Vương đã đặt tên nơi này như thế!
Nguyễn Ánh
Xưa kia Búng có tên là Búng Bình Di vì là hồ nước có nguồn duy nhất dẫn từ sông Bình Di vào.
Nguyễn Ánh, trong lúc bôn ba chạy loạn Tây Sơn có đi ngang qua Búng và dừng lại nghỉ ngơi. Vào một đêm trăng sáng ông ngồi uống rượu, ngâm thơ bổng dưng trời nổi cơn giông tố, sông Bình Di sóng trắng xóa đôi bờ, thế mà mặt nước Búng Bình Di vẫn phẳng lặng in bóng trời xanh trên mặt hồ trong xanh không một gợn sóng, ông nhìn thấy hiện tượng lạ và đặt tên Búng Bình Thiên, tên gọi ra đời từ đó.
Cho đến bây giờ, vào mùa nước nổi, sông Bình Di mang đậm phù sa, nhưng nước ở Búng vẫn trong xanh. Hiện nay, cư dân tại đây còn lưu truyền một huyền thoại là nơi Nguyễn Ánh ngồi ngâm thơ, uống rượu, lá cây khô trên cành không rơi trên mặt đất….nay tại vị trí nầy, nhân dân chuyển từ làm vườn sang trồng hoa màu nên không còn dấu vết.
Tương truyền, đây là bài thơ chúa Nguyễn Ánh đã làm:
Búng Bình Thiên là báu của trời Công trình lừng lẫy khắp nơi nơi Bốn mùa nước lắng trong như lọc Tắc, trúc quanh co ngoài bãi lớn Hòn Xà lặn hụp giữa dòng khơi Tre xanh dờn dợn kề bên bãi Rồng núp nguồn sâu vẫn đợi thời.
Năm 1978 khi làm đường giao thông người ta đào lên 2 bao tiền từ thời trước Gia long. Hiện tại các nhà sử học đang nghiên cứu về lịch sử hình thành cộng đồng dân cư và tên gọi Búng Bình Thiên.
Chưa hết, có người còn cho rằng chỗ cửa Búng thông ra sông Bình Di là nơi Nguyễn Ánh đã cấm thanh gương xuống để xin nước. Nơi đó rất sâu, người ta định lấp lại làm đường (thay cầu C3) mà đổ xuống mấy xà lan cát đều bị hút hết. Lại thêm lời đồn rằng có người thử lấy 1 trái dừa khô, khắc chữ rồi bỏ cho chìm xuống Búng, mấy tháng sau người ta thấy trái dừa đó trôi ra tới tận biển Hà Tiên.
Hồ Búng Bình Thiên Có Gì Chơi?
Cách Búng khoảng vài trăm mét là tới làng của người Chăm với nhiều nét sinh hoạt văn hóa rất riêng và đặc sắc. Người Chăm sống dọc bên bờ Búng Lớn (Nhơn Hội), Búng Nhỏ (Khánh Bình) và Đồng Ky (Quốc Thái).
Hiện nay, dịp lễ 2 tháng 9 hàng năm, huyện An Phú tổ chức lễ hội Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên.
Bạn sẽ được chèo xuồng quanh vòng hồ, tự mình hái bông điên điển, và thưởng thức những món ăn đặc trưng của nơi này như: dưa chua, canh chua, xào với tép, đổ bánh xèo…
Điên Điển (Sesbania sesban) còn có tên là Điền Thanh thân tía / Điền Thanh bụi, thuộc họ Đậu (Fabaceae). Thân điên điển xốp và nhẹ, lá kép lông chim tương tự lá Me, hoa có cấu tạo điển hình của các loài hoa thuộc họ Đậu.
Và cũng như các loài cây khác thuộc họ Đậu, rễ điên điển có những nốt sần chứa các vi khuẩn cộng sinh có khả năng cố định đạm.
Khi nước lũ rút đi, thân và rễ điên điển trở thành phân xanh cho đất. Vào mùa lũ năm sau, hạt điên điển trong đất lại nẩy mầm vươn lên trong làn nước và trổ bông vàng rực sông hồ, đồng ruộng, đem đến một vẻ đẹp tự nhiên và đặc sắc cho mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long.
Sắc bông điên điển là một hình ảnh khắc sâu trong nỗi nhớ quê hương của những người con miền Tây xa xứ.
Miêu tả Búng Bình Thiên, trong sách Việt Nam đất nước giàu đẹp có đoạn:
An Giang có nhiều ao hồ thiên nhiên. Đặc biệt, ở An Phú có Búng Bình Thiên. Đây là biển hồ của tỉnh, là một thắng cảnh thiên nhiên, quanh năm mênh mông nước biếc, lộng bóng mây trời. Búng Bình Thiên còn là cái ổ sinh sản cá tôm của vùng sông Hậu. Dài theo ven sông, trục lộ, bờ kênh, ẩn hiện những mái nhà núp bóng trong vườn cây sum suê bốn mùa hoa thơm trái ngọt. Vì là nơi đầu nguồn đất thấp, đồng bào thường dựng nhà sàn cao, cất bè nuôi cá hoặc ở ghe, cuộc sống sinh hoạt thường diễn ra trên mặt nước...
Một Số Lưu Ý Khi Đi Du Lịch An Giang
Để đảm bảo an toàn, và hãy là du khách văn minh cần trang bị cho mình những dụng cụ cần thiết để trải nghiệm như:
- Mặc quần áo dài tay, áo mưa đi vào mùa mưa
- Trang phục phù hợp không gian truyền thống, tâm linh.
- Trang bị trang bị mũ nón để tránh nắng khi đi tham quan ngoài trời.
- Mang theo thuốc bôi hoặc xịt chống côn trùng
- Không tổ chức nấu nướng sử dụng lửa, phòng tránh cháy rừng
Địa Điểm Du Lịch An Giang
Khi đến tham quan, trải nghiệm du lịch An Giang, nếu còn thời gian, du khách có thể tham quan trải nghiệm một số điểm du lịch đặc sắc khác của An Giang như:
- Khu du lịch Núi Sam
- Khu du lịch Lâm Viên – Núi Cấm
- Rừng Tràm Trà Sư – Văn Giáo
- Vía Bà Chúa Xứ
- Lăng Thoại ngọc Hầu – Lăng Ông
- Chùa Thầy Tây An
- Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng
- Khu du lịch Đồi Tức Dụp
- Nhà mồ Ba Chúc – Tri Tôn
- Lễ hội đua bò Tri Tôn
- Và trải nghiệm ẩm thực Đặc sản An Giang như: các món từ cây thốt lốt, mắm cá Châu Đốc, tung lò mò, bánh canh Vĩnh Trung, gà đốt lá chúc, bún cá Châu Đốc, và các đặc sản khác…
Như vậy, Quý khách sẽ có một trải nghiệm thật là khó quên cho chuyến hành trình đến với du lịch An Giang. Bạn đã từng tham quan An Giang chưa? Nếu có, hãy cho chúng tôi biết những ấn tượng của bạn về An Giang nhé!
Tổng hợp và tham khảo: Wikipedia, Ipec, Sở du lịch An Giang, Tổng cục du lịch Việt Nam.
Theo dõi chúng tôi:
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ DU LỊCH ĐẤT MŨI XANH
ĐC: SỐ 01 TẠ AN KHƯƠNG, PHƯỜNG 5, TP. CÀ MAU
HOTLINE: 0916.193.169 – 0909.66.86.87 (Ms Loan)
Facebook: Bích Loan Trần (0916.193.169)
Fanpage: Du lịch Đất Mũi Xanh Cà Mau (Greenlandtourist)