Rừng tràm Trà Sư cách Châu Đốc khoảng 30 km, cách khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia chỉ khoảng 10 km, được trồng theo mô hình hệ sinh thái điển hình vùng ngập nước phía Tây sông Hậu.
Tóm Tắt Nội Dung
Review Khu Du Lịch Rừng Tràm Trà Sư
Rừng Tràm Trà Sư Ở Đâu?
Từ thị trấn Nhà Bàng thuộc huyện Tịnh Biên, An Giang đi theo đường tỉnh lộ 948 đến Km số 6, tiếp tục rẽ trái đi theo một con đường nhỏ dài khoảng gần 4 km là đến rừng tràm Trà Sư. Tại đây, du khách có thể thuê xe đạp, hoặc thuê xuồng đi tham quan rừng tràm.
Rừng Tràm Trà Sư Có Gì?
Với diện tích gần 850 ha, phần lớn loài cây ở rừng Trà Sư là tràm (trên 10 tuổi, cao 5 – 8 m). Ngoài ra, đây còn là nơi sinh sống nhiều loài động vật và thực vật. Theo thông tin trên website Du lịch Việt Nam, thì ở đây hiện có:
– 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ, trong đó có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi trong sách Đỏ Việt Nam là giang sen (Mycteria leucocephala) và điêng điểng (Anhinga melanogaster)
-11 loài thú thuộc 4 bộ và 6 họ. Các bộ có số loài nhiều nhất là gặm nhấm (4 loài) và dơi (15 loài), trong đó có loài dơi chó tai ngắn quý hiếm cũng đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam.
-25 loài bò sát và ếch nhái, gồm 2 bộ, 10 họ, trong đó có cả rắn hổ mang, rắn cạp nong.
-10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài chỉ xuất hiện vào mùa lũ.
Không chỉ phong phú về động vật, Trà Sư còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh, 11 loài sinh cảnh, 78 loài thuốc và 22 loài cây cảnh, v.v…
Theo kết quả khảo sát của BirdLife International và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, rừng Trà Sư được đánh giá là nơi có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1999, cả hai tổ chức ấy đều đã đề xuất chính quyền địa phương xây dựng khu bảo vệ tại khu vực này. Ngày 27 tháng 5 năm 2003, chính quyền tỉnh An Giang đã ra quyết định phê duyệt thành lập khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm, để đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái và phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn môi trường.
Review Khu Du Lịch Rừng Tràm Trà Sư
Đến đây, bạn không chỉ bị thu hút bởi không gian thiên nhiên với rừng tràm rợp bóng hai bên, mà còn được tiếp xúc ở cự ly gần với hàng loạt loài chim nước, động vật hoang dã quý hiếm bởi nơi đây còn được phát triển để trở thành “ngôi nhà chung” – khu bảo tồn của rất nhiều lớp sinh vật nhiệt đới đang sinh sống ở vùng đất Tây Nam Bộ này.
Chuyến tham quan rừng tràm của bạn sẽ diễn ra trên phương tiện di chuyển chính là xuồng ba lá, các cô chèo xuồng kiêm hướng dẫn viên sẽ đưa các bạn đi dọc rừng tràm, đồng thời sẽ giới thiệu các điểm hay – độc – lạ chỉ nơi đây mới có.
Các cô rất thân thiện, nên nếu có bất kỳ thắc mắc hay tò mò điều gì về nơi đây như các loài thủy mộc, chim chóc, hay lịch sử của rừng tràm Trà Sư…
Vì là khu du lịch sinh thái nên dĩ nhiên Rừng Tràm Trà Sư “ngập tràn” nhiều loài thủy sinh vật, chim , cá nước… Được biết nơi đây có khoảng 140 loài thực vật, với diện tích được tràm gần như bao phủ.
Chính vì điều đó, trong chuyến tham quan, bạn chắc chắn sẽ bắt gặp cảnh những đàn chim nối cánh bay lên giữa đồng nước mênh mông, hoặc ngọn tràm có loài chim đang đậu. Nhiều bạn đặc biệt thích hình ảnh cánh cò trắng sà xuống mặt nước kiếm ăn, vô cùng đẹp dù chỉ trong khoảnh khắc.
Vào sâu bên trong, rừng tràm Trà Sư còn có vọng tháp cao được xây dựng để du khách dễ dàng ngắm toàn cảnh từ trên cao của khu du lịch sinh thái này. Ở đây có kính viễn vọng (tầm nhìn đạt 25 km), các bạn tha hồ “mục kích” sự bạt ngàn của rừng tràm, màu xanh trải dài hút tầm mắt.
Du lịch “ngon – bổ – rẻ” và “sống ảo” không giới hạn
Rừng Tràm Trà Sư là địa điểm du lịch lý tưởng cho những ai tìm kiếm một nơi thư giãn, yên tĩnh với thiên nhiên nhưng không nhàm chán, tẻ nhạt. Rừng tràm Trà Sư là nơi rất phù hợp với những nhóm bạn dự định du lịch ngắn ngày, hay cuối tuần, và hoàn toàn có thể kết hợp với đi vía Bà Chúa Xứ Núi Sam.
Để được rừng tràm Trà Sư, mọi người thường chọn di chuyển bằng xe khách hoặc xe máy, đi thẳng từ Sài Gòn đến Châu Đốc để tiện việc sắp xếp chỗ nghỉ (nếu bạn ở lại đây vài ngày), sau đó mới di chuyển đến rừng tràm (cách Châu Đốc khoảng 30 km). Giá vé xe khách thường dao động khoảng 150.000 VND/ người, khá rẻ và tiện lợi.
Còn với những bạn thích phượt hoặc có ý định đi về trong ngày thì thường sẽ chọn di chuyển đến rừng tràm Trà Sư bằng xe máy, vừa có thể chủ động (muốn dừng ở đâu để khám phá và “sống ảo” đều được cả), vừa tha hồ tận hưởng chuyến đi với bạn bè mình.
Giá vé tham quan và sử dụng các dịch vụ tại rừng tràm Trà Sư mới nhất: (Tham khảo)
- Giá vé vào cổng: 100.000 VND/ người (bắt buộc)
- Dịch vụ chèo xuồng ba lá vào rừng tràm: 50.000 VND/ người (không bắt buộc)
- Dịch vụ di chuyển bằng tắc ráng: 50.000 VND/ người (không bắt buộc)
- Dịch vụ quan sát bằng kính viễn vọng: 5.000 VND/ người (không bắt buộc)
Xuyên suốt chuyến đi, các bạn có thể ngắm cảnh, thoải mái ngồi ở đầu xuồng để cảm nhận sự mát mẻ, thư thái, quan sát các loài chim muông (một số loài định cư, có thể thấy quanh năm nơi đây có thể kể đến: cò vạc, cồng cọc, gà nước…) và thủy sinh vật đa dạng nơi đây, trải nghiệm không gian rừng ngập nước.
Thậm chí các bạn còn có thể nhìn thấy rất nhiều ngôi làng của đồng bào Khmer gần đó, với nhiều làng nghề độc đáo như nuôi ong mật, nấu đường thốt nốt, thổ cẩm và các làng thủ công mỹ nghệ. Tổng chi phí tham quan tại đài quan sát và cả ăn uống sẽ dao động khoảng 120.000 – 150.000 VND/ người.
Sau khi “cập bến”, các bạn có thể nghỉ ngơi tại chòi nghỉ khá rộng rãi, thoải mái; và bắt đầu công cuộc “khám phá ẩm thực” nơi đây với rất nhiều món ăn dân dã. Một vài món đặc trưng có thể kể đến: canh chua cá linh nấu bông điên điển, cá lóc nướng trui, chuột đồng nướng…
Chi phí không quá đắt, hợp túi tiền chính là một điểm cộng khác cho việc kinh doanh du lịch ở rừng tràm Trà Sư.
Vừa được ngắm cảnh đẹp, vừa tha hồ “sống ảo” đẹp lung linh, lại có thể thưởng thức các món ăn ngon mà chi phí từ di chuyển, vé tham quan và phí dịch vụ đều không quá đắt rừng tràm Trà Sư đúng thật sự là một điểm đến “ngon – bổ – rẻ” quá lý tưởng rồi còn gì!
Du lịch Rừng Tràm Trà Sư đẹp nhất mùa nước nổi
Rừng tràm đẹp nhất chính là vào mùa nước nổi, tương ứng với khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Vào mùa này, dường như tràm cũng đặc biệt xanh hơn, nước về với các cánh bèo cám phủ xanh bề mặt, khi đi thuyền bạn sẽ cảm giác như đang lướt qua một thảm nhung vô cùng êm nhẹ và cực kỳ thích thú.
Phía dưới lớp bèo cám ấy là vô số tôm cá, vì nước về đã khiến sự đa dạng thủy sinh vật nơi đây tăng lên đáng kể. Và chính điều đó cũng thu hút các loài chim về đây đông hơn.
Tuy nhiên, nếu các bạn không thấy chúng “ồ ạt” thì cũng đừng thắc mắc, vì thường chúng sẽ làm ổ và “núp mình” trong các vòm tràm, chứ không phải lúc nào cũng “trình diện” với các bạn đâu. Nhưng, các bạn vẫn có thể nghe thấy tiếng chúng gọi bầy, tiếng rù rì từ trong rừng tràm vọng đến, cũng rất thú vị và cực kỳ thư giãn đấy nhé!
Mẹo Vặt Du lịch
Đặc biệt, theo người địa phương thì nếu các bạn lựa chọn tham quan rừng Trà Sư vào các thời điểm buổi sáng (khoảng 07:00 – 09:00) hoặc buổi chiều lúc hoàng hôn (17:00 – 18:00) thì sẽ có thể thấy các đàn chim bay về tổ rợp trời, kết hợp với ánh sáng trong của buổi sớm hoặc ngược ánh hoàng hôn thì đây sẽ là khung cảnh vô cùng tuyệt hảo.
Thường các bạn trẻ tìm đến đây luôn thích nhất vẻ hoang sơ, trầm mặc của rừng tràm, và chỉ vào những mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch thì những nét đẹp đó mới càng thêm bội phần nổi bật.
Hiện tại chưa có dịch vụ lưu trú bên trong rừng tràm, chỉ có nhà nghỉ ở khu vực ngoài cổng vì thường các bạn đi về trong ngày. Với các bạn ở dài ngày thì họ cũng lựa chọn kết thúc chuyến tham quan trong ngày rồi quay về khách sạn, nhà nghỉ đã thuê trước đó ở Châu Đốc hoặc Long Xuyên chứ không ở qua đêm.
Nhưng nếu bạn thật sự “lưu luyến” và muốn đón bình minh trong rừng tràm thì bạn có thể thử liên hệ với ban kiểm lâm xin phép và nhờ họ sắp xếp cho bạn. Và dĩ nhiên các bạn nên nhớ chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để “sống sót” qua đêm ở đây nhé, như mền, mùng chống muỗi (cực kỳ quan trọng đấy), nước uống, đèn pin…
Đặc biệt, dù có lựa chọn ở qua đêm hay không thì các bạn vẫn nên chuẩn bị thuốc chống muỗi nhé, vì trong Rừng Tràm khá nhiều muỗi; và kem chống nắng, vì suốt chuyến tham quan trên thuyền không có mái che. Dù vui chơi “không sợ mưa rơi” và phượt hết mình thì cũng nên chú ý sức khỏe và bảo vệ làn da của mình, các bạn nhé!
Một Số Lưu Ý Khi Đi Du Lịch An Giang
Để đảm bảo an toàn, và hãy là du khách văn minh cần trang bị cho mình những dụng cụ cần thiết để trải nghiệm như:
- Mặc quần áo dài tay, áo mưa đi vào mùa mưa
- Trang phục phù hợp không gian truyền thống, tâm linh.
- Trang bị trang bị mũ nón để tránh nắng khi đi tham quan ngoài trời.
- Mang theo thuốc bôi hoặc xịt chống côn trùng
- Không tổ chức nấu nướng sử dụng lửa, phòng tránh cháy rừng
Địa Điểm Du Lịch An Giang
Khi đến tham quan, trải nghiệm du lịch An Giang, nếu còn thời gian, du khách có thể tham quan trải nghiệm một số điểm du lịch đặc sắc khác của An Giang như:
- Khu du lịch Núi Sam
- Khu du lịch Lâm Viên – Núi Cấm
- Rừng Tràm Trà Sư – Văn Giáo
- Búng Bình Thiên
- Vía Bà Chúa Xứ
- Lăng Thoại ngọc Hầu – Lăng Ông
- Chùa Thầy Tây An
- Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng
- Khu du lịch Đồi Tức Dụp
- Nhà mồ Ba Chúc – Tri Tôn
- Lễ hội đua bò Tri Tôn
- Và trải nghiệm ẩm thực Đặc sản An Giang như: các món từ cây thốt lốt, mắm cá Châu Đốc, tung lò mò, bánh canh Vĩnh Trung, gà đốt lá chúc, bún cá Châu Đốc, và các đặc sản khác…
Như vậy, Quý khách sẽ có một trải nghiệm thật là khó quên cho chuyến hành trình đến với du lịch An Giang. Bạn đã từng tham quan An Giang chưa? Nếu có, hãy cho chúng tôi biết những ấn tượng của bạn về An Giang nhé!
Tổng hợp và tham khảo: Wikipedia, Ipec, Sở du lịch An Giang, Tổng cục du lịch Việt Nam.
Theo dõi chúng tôi:
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ DU LỊCH ĐẤT MŨI XANH
ĐC: SỐ 01 TẠ AN KHƯƠNG, PHƯỜNG 5, TP. CÀ MAU
HOTLINE: 0916.193.169 – 0909.66.86.87 (Ms Loan)
Facebook: Bích Loan Trần (0916.193.169)
Fanpage: Du lịch Đất Mũi Xanh Cà Mau (Greenlandtourist)