Du Lịch An Giang – là một trong 10 vùng du lịch trọng điểm quốc gia? Với những thế mạnh về đất đai và khí hậu An Giang được xem là tỉnh có tiềm năng du lịch. Du lịch của tỉnh tập trung vào các lĩnh vực văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí và du lịch nghỉ dưỡng.
Tóm Tắt Nội Dung
Du Lịch An Giang Có Gì Vui?
An Giang là một trong 10 vùng du lịch trọng điểm quốc gia có một số thắng cảnh tiêu biểu như:
Châu Đốc: nổi tiếng với Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam (diễn ra hằng năm vào ngày 24, 25 tháng 4 Âm lịch là ngày vía chính) là địa điểm tâm linh thu hút rất đông khách du lịch cả trong và ngoài nước đến đây để hành hương.
Năm 2001, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ được Chính phủ công nhận là Lễ hội dân gian cấp Quốc gia. Quần thể di tích dưới chân núi Sam có nhiều di tích lịch sử, tôn giáo quan trọng như: Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, Chùa Phước Điền…
Ngoài ra còn có các làng Chăm ven sông Hậu, làng bè Châu Đốc…
Thất Sơn (Bảy Núi): gồm 1 quần thể 37 ngọn núi thuộc 2 huyện Tịnh Biên & Tri Tôn, nhưng có 7 ngọn tiêu biểu là:
- Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) – ngọn núi cao nhất tỉnh An Giang cũng như cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cao 716m;
- Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn);
- Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn);
- Núi Dài (Ngọa Long Sơn);
- Núi Tượng (Liên Hoa Sơn);
- Núi Két (Anh Vũ Sơn);
- Núi Nước (Thủy Đài Sơn).
Tổ Đình Đức Giáo Chủ (Phật giáo Hòa Hảo) và Chùa An Hòa ở thị trấn Phú Mỹ hằng năm đều tổ chức hai đại lễ lớn. Là lễ 18/5 âl ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo và lễ 25/11 âm lịch ngày đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH. Mỗi khi đến ngày lễ thì đồ ăn thức uống hoàn toàn miễn phí và có cả xe hoa diễu hành để kính mừng ngày đại lễ.
Rừng tràm Trà Sư là điểm du lịch sinh thái rất đa dạng về hệ động thực vật rừng thiên nhiên hoang dã, rộng khoảng 845 ha diện tích vùng lõi và 643 ha diện tích vùng đệm, nằm giữa lòng tứ giác Long Xuyên và khu vực Thất Sơn, thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên.
Hồ Thoại Sơn là một trong những hồ đẹp, cách thành phố Long Xuyên 29 km theo đường tỉnh lộ 943.
Búng Bình Thiên (còn gọi là Hồ nước trời) là một hồ nước ngọt đặc biệt tại huyện An Phú, quanh năm trong xanh dù xung quanh các kênh rạch bị vẩn đục phù sa.
Cù lao Giêng (Chợ Mới) nằm giữa sông Tiền với nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc.
Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Long Xuyên) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Ngoài ra, An Giang còn có một số điểm du lịch về Văn hoá – lịch sử – tâm linh như:
Dinh Ông Chưởng (Kiến An, Chợ Mới), Cột dây thép (Long Điền A, Chợ Mới), Trường dòng nhà thờ Cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Chợ Mới), Tây An cổ tự (xã Long Giang, huyện Chợ Mới), Nhà Bưu điện Chợ Mới.
Đồi Tức Dụp (xã An Tức, Tri Tôn), chùa Linh Sơn (Thoại Sơn), chùa Tam Bửu (Tri Tôn), Bửu Hương tự (Châu Phú), chùa Ông Bắc (Long Xuyên), chùa Xà Tón (Tri Tôn), Nhà mồ Ba Chúc (Tri Tôn), Lễ hội Đua bò Bảy Núi (Tri Tôn và Tịnh Biên), Khu Di tích văn hoá Óc Eo ở xã Ba Thê (đây là Di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hoá Phù Nam) thuộc huyện Thoại Sơn…
Đặc Sản An Giang
Gỏi sầu đâu:
Cây sầu đâu mọc nhiều ở các vùng Tân Châu, Tri Tôn, Châu Đốc, Tịnh Biên (An Giang). Món gỏi này được chế biến đơn giản, nhanh gọn. Lá non và hoa sầu đâu được rửa sạch trụng qua nước sôi cho bớt đắng, sau đó để ráo nước.
Dưa leo, thơm (dứa) và xoài thái mỏng hoặc xắt sợi. Người miền Tây thường làm món gỏi sầu đâu khô cá lóc hoặc khô cá sặc. Khô cá nướng xé nhỏ, thịt ba chỉ luộc xong thái mỏng, cho thêm ít tôm bóc vỏ.
Cà na đập:
Quả cà na tươi, sau khi đập nát, vắt bớt nước và chà xát để ra hết chất chát thì đem dầm đường, chờ khoảng vài tiếng đồng hồ là có thể sử dụng.
Món này phải khéo léo sao cho quả cà na bị đập không quá nát, vẫn giữ màu xanh tươi sau khi chà xát, vắt nước nhưng hương vị còn nguyên, ăn vẫn giòn. Cà na đập ăn chung với muối ớt, vừa ngọt, vừa giòn rất ngon.
Ngoài cà na, ở An Giang còn có các loại cây trái đặc sản như thốt nốt, hồng quân, trái mây…
Tung lò mò:
“Tung lò mò” chính là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang. Từ lâu, người Kinh cũng ưa thích và chế biến món lạp xưởng bò gần giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở Tân Châu(xã Châu Phong), Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn.
Khác lạp xưởng lợn, lạp xưởng bò sau khi làm xong chỉ cần phơi cho khô là có thể đem chiên hoặc nướng. Hấp dẫn nhất là lạp xưởng nướng trên bếp than hồng. Khi nướng chín xong cắt ra thành viên có màu đỏ hồng, hương bay thơm phức không còn mùi mỡ bò.
“Tung lò mò” nướng nên chín tới đâu, ăn tới đó. Khi ăn sẽ thấy vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt, lại ăn kèm với rau sống, rau cần tươi, vị chua của khế, vị chát của chuối sống.
Lạp xưởng bò khi ăn phải chấm muối tiêu chanh hoặc tương ớt. Hấp dẫn hơn là có ăn kèm rau sống và ăn chung với bún hoặc bánh mì.
Cốm dẹp:
Nếp trước lúc thu hoạch khoảng 10 ngày còn chưa già sẽ được gặt về trút lấy hạt ngâm nước nửa ngày vớt ra để ráo.
Ngâm nếp phải canh giờ nếu không ngâm lâu hạt nếp mềm cốm sẽ nhão, ngâm thời gian ngắn thì hạt nếp sẽ khô cứng. Rang nếp phải là người quen tay và rang trong nồi đất nhằm giữ được nhiệt nóng lâu hơn.
Một lần rang rất mất thời gian và công sức chỉ một chén nếp, trút vừa đáy nồi đất giúp việc đảo rang được dễ dàng và hạt nếp nở chín dẻo đều.
Bò cạp Bảy Núi:
Bò cạp hay còn gọi là “bù kẹp”, có màu đen nhánh, hai càng to kềnh, to cỡ con dế cơm. Thoạt nhìn bò cạp trông giống như con gián bò lổn ngổn. Về vùng Bảy Núi có thể thấy loại này được bán dọc hai bên đường.
Để có được những con bò cạp thế này, những người chuyên săn lùng con vật này phải lên núi mới có. Họ trang bị một cây cuốc, một cây kẹp và một cái xô. Tìm thấy tảng đá nào khả nghi, họ chỉ cần lật tảng đá sang một bên, nhìn miệng hang thò kẹp vào.
Sau khi “thu hoạch” xong, họ mang bò cạp về bỏ vào thau vài ngày cho “sạch bụng”. Để nguyên con vậy và rửa sạch, cho vào chảo mỡ hoặc dầu đang sôi. Khoảng vài phút sau, bò cạp chín, bốc mùi thơm lạ lùng.
Bò cạp dùng kèm rau thơm, cà chua, dưa leo và vài cọng ngò, chấm với muối tiêu chanh. Cắn một miếng, giòn rụm và vị beo béo. Theo những người sành ăn món này, bụng của bò cạp mới là phần ngon nhất.
Món bò cạp này còn được chế biến theo các kiểu khác như bò cạp lăn bột chiên bơ. Một số người Khmer địa phương còn dùng bò cạp ngâm với rượu, uống để chữa các chứng đau lưng, nhức mỏi, đau khớp…
Mắm Châu Đốc:
Mắm Châu Đốc có bán khắp nơi nhưng tập trung nhiều nhất là ở chợ Châu Đốc. Hình thù mắm cũng vô cùng đa dạng. Vì tùy từng loại cá, cách thức chế biến mà người ta có thể xé nhỏ, để nguyên con, lóc lấy phi lê hoặc để cả xương.
Một vài loại mắm dễ ăn mà bạn có thể mua tại chợ là mắm linh, mắm sặt, mắm lóc, mắm trèn, mắm rô, mắm chốt… Những loại này ăn sống hay dùng chưng, nấu mắm (mắm kho, bún, lẩu) đều rất ngon.
Nếu đến An Giang, du khách sẽ có thể thưởng thức được món “lẩu cá linh non nấu với bông điên điển” – một món ăn đặt sản nổi bật nơi đây. Đặc biệt khô cá tra ở đây là cá tra từ Biển Hồ (Campuchia), thịt ngọt tự nhiên, lại được phơi khéo, canh vừa nắng nên thịt thơm béo, không bị tanh.
Một loại mắm bán nhiều và cũng rất được ưa chuộng ở chợ Châu Đốc là mắm thái. Đó là con mắm lóc ngon được lạng bỏ da bỏ xương xé nhỏ trộn với đu đủ xắt sợi và thịt ba rọi ram, thêm thính gạo, đường, ớt vào.
Ở xứ mắm Châu Đốc, đường dùng làm mắm cũng là đường thốt nốt đặc sản, pha thêm ít đường trắng nên mắm có vị ngọt mặn rất thanh, ăn kèm rau sống, chuối chát, thịt ba rọi luộc.
Làng Nghề Truyền Thống
Từ xưa, cư dân An Giang sống bằng nghề làm ruộng, đánh bắt cá, tôm… và một số nghề thủ công như dệt, mộc, đan lát, nắn nồi, chạm khắc đá…
An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng lúa (trên 2 triệu tấn), ngoài cây lúa còn trồng bắp, đậu nành và nuôi (trồng) thuỷ sản nước ngọt như cá, tôm…
An Giang còn nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống như lụa Tân Châu, mắm Châu Đốc, mộc Chợ Thủ, bánh phồng (Phú Tân), khô bò và các mặt hàng tiêu dùng. Đặc biệt là nghề dệt vải thủ công lâu đời của đồng bào Chăm và nghề nuôi cá bè đặc trưng của vùng sông nước.
Ở vùng cù lao đất giồng, nước ngập không đáng kể, việc canh tác tương đối dễ dàng. Từ cây lúa, con cá, cư dân tiến dần qua trồng trọt hoa màu, cây ăn trái… và phát triển các ngành nghề thủ công cổ truyền của dân tộc.
Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa khá phổ biến, tập trung nhiều nhất ở vùng Tân Châu, Chợ Mới. Cho đến đầu thế kỷ XX, lụa Tân Châu đã nổi tiếng một thời vừa bền, vừa đẹp. Ở Bảy Núi, Châu Giang (Châu Đốc), đồng bào Khơmer, Chăm đã cần cù dệt nên những chiếc “Xà Rong”, khăn đội đầu, khăn choàng tắm, áo,… nhiều màu sặc sở.
Nghề mộc cũng sớm phát triển trên đất Chợ Mới. Ở An Giang và cả Miền Tây đều biết đến những người thợ mộc Chợ Thủ (Chợ Mới) qua những sản phẩm thủ công tinh xảo có tính nghệ thuật cao, từ đơn giản đến cầu kỳ, phức tạp.
Ở núi Sam, núi Sập do nhu cầu tiêu dùng của xã hội, dần dần hình thành tầng lớp “thợ” chuyên khai thác đá. Ngoài đá xây dựng ra, họ còn làm ra những đồ dùng như cối giã gạo, chày đâm tiêu, cối xay bột, mặt bàn…và cả đồ trang sức bằng đá quý.
Tuy nghề thủ công có phát triển, nhưng cơ nghiệp của người dân An Giang dựng lên được hàng trăm năm nay chủ yếu là bắt nguồn từ cây lúa.
Những người dân An Giang đầu tiên cũng chỉ biết làm ruộng cấy ở vùng Cù lao, Bảy Núi, còn ở vùng ngập nước thì đánh bắt cá, tôm hoặc trồng hoa màu phụ sinh sống qua ngày. Cảnh “phá sơn lâm, đâm hà bá” ngày càng không phù hợp với sự gia tăng dân số.
Bản thân cây lúa cũng bị hạn chế về diện tích gieo trồng, không đối đầu được với mùa nước nổi hàng năm.
Người dân An Giang trong quá trình lao động sau này đã tìm cho mình cây lúa nổi (Riz Flotlant) đủ sức vươn mình và tồn tại lên trên mặt nước mênh mông. Cây lúa nổi đối với cư dân An Giang là một biểu tượng tuyệt vời về sức sống mãnh liệt trong quá trình mở đất và giữ đất.
Nền kinh tế của An Giang được phát triển trên diện rộng với sự phát triển của nhiều ngành như thương mại, du lịch, chế biến. Nền kinh tế của An Giang đồng thời cũng phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh nội lực của tỉnh và vào sự liên kết kinh tế với toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và với TP. Hồ Chí Minh.
An Giang có một thị trường tiêu dùng lớn với hơn 2,2 triệu dân và 3,9 triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Hàng năm, tổng mức bán lẻ dịch vụ đạt con số 22 ngàn tỷ đồng. Đây hẳn là một thị trường không thể bỏ qua đối với các nhà đầu tư và các doanh nghiệp lớn.
Tổng hợp và tham khảo: Wikipedia, Sở du lịch An Giang, Tổng cục du lịch Việt Nam.
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ DU LỊCH ĐẤT MŨI XANH
ĐC: SỐ 01 TẠ AN KHƯƠNG, PHƯỜNG 5, TP. CÀ MAU
HOTLINE: 0916.193.169 – 0909.66.86.87 (Ms Loan)
Facebook: Bích Loan Trần (0916.193.169)
Fanpage: Du lịch Đất Mũi Xanh Cà Mau (Greenlandtourist)
Tag: du lịch An Giang, Đặc sản An Giang, Ẩm thực An Giang, Rừng Tràm Trà Sư, Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc, Búng Bình Thiên