[ad_1]
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các ngành, nghề truyền thống, nghề trồng cây lanh, dệt thổ cẩm của phụ nữ Mông trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đã được chị em tích cực gìn giữ, vừa để bảo tồn văn hoá truyền thống, vừa tạo các sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao để sử dụng trong đời sống, phát triển sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn, tăng thu nhập nâng cao đời sống.
Trồng lanh, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, truyền đời của phụ nữ Mông. Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế của đồng bào đã ổn định hơn, đặc biệt là giá trị văn hoá truyền thống cũng như giá trị về kinh tế của các mặt hàng thổ cẩm thủ công được nhiều người quan tâm ưa chuộng thì nghề trồng lanh, dệt thổ cẩm được chị em phụ nữ Mông trên địa bàn tỉnh quan tâm phát triển.
Đối với phụ nữ Mông, nghề trồng lanh, dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ may mặc trong gia đình mà việc se lanh, dệt thổ cẩm còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ – đó là một trong những tiêu chí đánh giá về tài năng, đức tính cần cù, chăm chỉ của chị em phụ nữ.
Đối với người Mông, bất cứ thiếu nữ nào khi đến tuổi trưởng thành cũng phải biết se lanh thành sợi, biết dệt thổ cẩm, thêu thùa hoa văn, trang phục nữ truyền thống phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.
Phụ nữ Mông thường bắt đầu trồng vào tháng 3, đến tháng 7 là thu hoạch. Sau khi thu hoạch, lanh sẽ trải qua một quy trình chế biến nhiều bước để trở thành tấm vải liền mảnh rồi mới mang đi vẽ sáp ong hay thêu thùa hoa văn lên vải.
Ở tỉnh Yên Bái, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo tìm hiểu thì hiện nay, phụ nữ Mông ở các xã thuộc huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải còn nhiều người vẫn duy trì công việc trồng lanh, dệt vải truyền thống.
Bà Hờ Thị Mẩy ở thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu cho biết: Trồng lanh, se lanh, dệt vải là một công việc rất vất vả, đòi hỏi độ tỷ mỉ, tính thẩm mỹ, sự kiên nhẫn cao; mặt khác do tiện lợi từ các loại vải công nghiệp, trang phục may sẵn mà nhiều người đã bỏ nghề trồng, dệt vải lanh truyền thống.
Tuy nhiên, với việc bảo tồn bản sắc văn hoá, nhất là trang phục truyền thống của các dân tộc, lại có giá trị kinh tế cao nên hiện nay, nhiều gia đình người Mông ở các địa phương trong tỉnh đã khôi phục nghề trồng lanh, dệt thổ cẩm truyền thống. Chỉ riêng thôn Sáng Pao, hiện đã có hơn chục chị em duy trì nghề trồng và dệt vải.
Tại huyện Mù Cang Chải, với sự nỗ lực duy trì nghề trồng lanh, dệt thổ cẩm, thêu thùa của chị em phụ nữ tại các địa phương, năm 2019, UBND tỉnh đã cấp bằng công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha.
Hiện Làng nghề Dệt thổ cẩm có 35 hội viên tham gia, đã sản xuất được nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ du khách khi đến với Mù Cang Chải.
Bà Lý Thị Ninh – Tổ trưởng Làng nghề Dệt thổ cẩm bản Dề Thàng cho biết: Hiện nay, Làng nghề đang sản xuất các sản phẩm chủ yếu như: trang phục truyền thống phụ nữ, nam giới người Mông; các loại túi xách, túi đeo, vỏ gối, các loại khăn, mũ… Các sản phẩm này đã và đang trở thành hàng hóa được rất nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tuy công việc chỉ tranh thủ làm lúc nông nhàn nhưng sau 3 năm hoạt động, các sản phẩm của Làng nghề đã góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho các gia đình hội viên. Tính toán, sau khi trừ chi phí, các hội viên của Làng nghề Dệt thổ cẩm bản Dề Thàng có thu nhập bình quân từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành về triển khai các đề án hỗ trợ, đào tạo, nâng cao tay nghề cho người thêu dệt thổ cẩm; thành lập thêm các cơ sở, tổ hợp tác, làng nghề hay hộ sản xuất kinh doanh về nghề thêu, dệt thổ cẩm, các địa phương vùng cao có đông đồng bào Mông sinh sống cần chủ động định hướng, động viên bà con mở rộng diện tích trồng lanh tại các hộ gia đình, đầu tư khung dệt thủ công, đa dạng hoá mẫu mã, chủng loại các sản phẩm thổ cẩm…, tạo sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường, tăng thu nhập, đồng thời mở ra các hoạt động sản xuất các nghề truyền thống, thu hút du khách trải nghiệm, đóng góp vào mục tiêu khôi phục và kích cầu hoạt động du lịch của tỉnh Yên Bái.
Nguồn báo: Yên Bái
[ad_2]
Source link