Chùa Xà Tón (Xvayton), thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn, An Giang có hơn 300 năm tuổi. Ngôi chùa có nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp và là nơi lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer An Giang.
Tóm Tắt Nội Dung
Nguồn Gốc Tên Gọi Chùa Xà Tón (Xvayton)
Kiến trúc chùa Khmer đặc trưng
Ý Nghĩa Với Cộng Đồng Người Khmer
Chùa Xà Tón & Địa Điểm Du Lịch Lân Cận
Nguồn Gốc Tên Gọi Chùa Xà Tón (Xvayton)
Chùa Xà Tón là phiên âm chữ Kinh của từ Khmer là Xvayton. Sở dĩ có tên gọi như thế là vì vùng đất này trước đây có rất nhiều khỉ sinh sống.
Giữa thị trấn Tri Tôn náo nhiệt, chùa Xà Tón vẫn nằm bề thế, uy nghiêm ngay vị trí trung tâm. Ngôi chùa đại diện cho văn hóa tinh thần của người Khmer này đã tồn tại hơn 300 năm.
Tương truyền, từ thời Bảy Núi vẫn còn là vùng rừng rậm, hoang vu, ít người lui tới. Trên những ngọn cây, từng đàn khỉ nối đuôi nhau chuyền cành, chúng dạn dĩ chọc ghẹo, níu kéo người qua đường. Thuở ấy, lũ khỉ hoang thường xuyên vào chùa, nhà dân, thân thiện như khỉ nhà.
Có lẽ vì vậy mà hình ảnh khỉ truyền cành đã trở nên quá thân thuộc nên chùa mới có tên là Xvayton (trong tiếng Khmer, “xvay” là khỉ, còn “ton” là đeo, níu kéo).
Về sau, nhiều người đọc chạy là Xà Tón. Đến nay, chùa Xà Tón còn tồn tại nhiều cây cổ thụ có tuổi thọ đến cả trăm năm, nơi gắn với hình ảnh lũ khỉ truyền cành.
Kiến trúc chùa Khmer đặc trưng
Nghe các sư sãi lớn tuổi kể lại chùa Xà Tón ban đầu được che dựng đơn sơ bằng lá và gỗ núi trên nền đất thấp. Sau đó, nhà chùa và nhân dân quanh vùng ra sức đào 1 cái hồ ở phía trước để lấy đất tôn cao nền chùa.
Nền chùa đắp cao được xây bằng đá xanh, vôi, ô dước. Sau này, chùa được khởi công xây dựng kiên cố bằng gạch ngói, cột bằng gỗ và được tu bổ nhiều lần cho đến diện mạo ngày nay.
Giống như các chùa Khmer khác ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, chùa Xà Tón có quy cách bố cục và kiến trúc thống nhất, như: cổng chùa, tường rào, chính điện, các dãy nhà tăng, nhà thiêu, những tháp để cốt…
Toàn bộ giá trị của nghệ thuật kiến trúc tập trung chủ yếu nhất ở ngôi chính điện, được xây dựng ở vị trí trung tâm và nền cao hơn so với các công trình khác.
Chính điện chùa Xà Tón được xây theo hướng đông tây, mái chính có cấu trúc tam cấp, lợp ngói màu đỏ, xanh, vàng đặc sắc. Ở 4 góc nóc mái chính điện được trang trí hình tượng thần rắn Naga uốn cong.
Chính điện còn là nơi tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc, trang trí của người Khmer với những bức bích họa được vẽ kín các mặt tường.
Nội dung chủ yếu của những bức bích họa này là kể lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Trên gian thờ giữa chính điện là nhiều tượng Phật Thích Ca được đúc, chạm, khắc rất đẹp ở nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi…
Chung quanh ngôi chính điện là các tháp nhỏ, đẹp đẽ dùng để lưu giữ hài cốt ở chùa sau khi đã hỏa táng. Trên các đỉnh tháp nhỏ này được chạm hình thần Bayon 4 mặt. Phía trước chùa có hồ lớn, ngoài việc làm đẹp, hồ còn là nơi trữ nước sinh hoạt mùa khô.
Chùa Xà Tón được xem như một biểu tượng văn hóa vật chất, tinh thần của người Khmer với những đặc điểm kiến trúc hết sức độc đáo và đặc sắc trong kho tàng di sản kiến trúc chùa Khmer ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Vì vậy, ngày 12-12-1986, chùa Xà Tón được Bộ Văn hóa công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Ngoài giá trị kiến trúc, chùa Xà Tón còn là nơi lưu giữ trên 100 bộ kinh ghi trên lá. Đây được xem loại thư tịch cổ, là báu vật quý hiếm có giá trị về văn hóa - nghệ thuật mang đậm nét truyền thống trong quy trình làm sách cổ của người Khmer vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Mỗi bộ sách được lưu giữ, bảo tồn trong chùa không chỉ phục vụ cho việc truyền đạt kinh Phật, mà thông qua những câu chuyện dân gian, những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca… góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, giáo dục luân thường đạo lý cho các phật tử trong cộng đồng phum, sóc.
Đồng thời, qua những bộ sách lá đã góp phần bảo tồn chữ viết và tiếng mẹ đẻ của người Khmer vùng Bảy Núi. Năm 2006, chùa Xà Tón được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Ngôi chùa lưu giữ nhiều bộ kinh lá nhất Việt Nam”.
Lịch Sử Chùa Xà Tón
- Năm 1696 chùa được xây dựng lên với nhà tre vách lá đơn giản (Số liệu này chỉ được kể lại, năm hình thành ghi lại chưa rõ ràng, chỉ biết chắc chắn nó đã tồn tại hơn 300 năm).
- Chùa Xà Tón là một trong những ngôi chùa Khmer có niên đại lịch sử lâu đời nhất Tri Tôn.
- Năm 1896, người dân trong vùng nhận ra chùa có nền đất thấp nên hay bị ngập. Họ đã đào 1 cái hồ lớn và nâng nền ngôi chùa lên cao hơn. Nền được đắp lên cao khoảng 1,8 mét và mất 2 năm để xây dựng lại khu chánh điện với diện mạo như hiện tại
- Năm 1933, chùa tu sửa cột trụ chánh điện.
- Ngày 12/12/1986 chùa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Ý Nghĩa Với Cộng Đồng Người Khmer
Chùa Xà Tón là ngôi chùa có lịch sử lâu đời và mang ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng người Khmer lân cận. Hàng năm, chùa trở thành nơi tụ họp và tổ chức các ngày lễ lớn của người Khmer:
- Lễ Chol Chnam Thmay: lễ mừng năm mới, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 4 dương lịch.
- Lễ Pisat Bo Chia: lễ nhớ ơn phật, kỷ niệm ngày phật ra đời, vào ngày rằm tháng 4 âm lịch.
- Lễ Chôl Neasa: lễ cấm cung, tức không cho các sư sãi ra khỏi chùa trong ba tháng, trừ trường hợp cha mẹ, thầy bệnh hoặc chính quyền cần đến, nhưng không được quá 7 ngày. lễ bắt đầu từ ngày rằm tháng 6 âm lịch đến hết ngày rằm tháng 9 âm lịch.
- Lễ Pha Chum Bênh: tức Lễ Đôn Ta (lễ ông bà, giống như lễ thanh minh của dân tộc kinh). lễ kéo dài 15 ngày, từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 10 dương lịch. suốt những ngày này, người dân khmer mang bánh tét, hoa quả, cơm canh đến chùa cúng tế, để tỏ lòng biết ơn người quá cố và cầu an, cầu phúc cho gia đình…
- Lễ Kà Thận: lễ sắm quần áo cho sư sãi, các vật dụng cho nhà chùa hoặc cho trường học trong làng.
Chùa Xà Tón cũng như nhiều chùa Khmer khác có vị trí hết sức quan trọng bởi ý nghĩa lịch sử, văn hóa – nghệ thuật, xã hội trong đời sống tinh thần của người Khmer.
Chùa không chỉ đơn thuần là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là trung tâm văn hóa, nơi gìn giữ những phong tục, tập quán, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật dân tộc cổ truyền…
Đây là tài sản quý giá không chỉ đối với người Khmer, mà còn góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Chùa Xà Tón & Địa Điểm Du Lịch Lân Cận
Đừng quên kết nối những địa điểm du lịch gần với chùa Xà Tón, và những điều không thể bỏ qua:
Khu Du Lịch Đồi Tức Dụp
Núi Cô Tô và Đồi Tức Dụp ngày nay được giữ gìn, tôn tạo và mở rộng để trở thành Khu Du Lịch Đồi Tức Dụp hay Khu di tích Đồi Tức Dụp.
Một địa điểm du lịch thu hút du khách, tìm hiểu những bí mật bên trong thư giãn cùng cảnh quan đẹp, không khí trong lành, vui chơi giải trí, leo núi dã ngoại, xem thú hoang dã, ăn uống đặc sản miền quê, nghe đờn ca tài tử…
Ngoài những điều đó, khi đến đây du khách còn được tham quan: Hang C6 (có hội trường C6 với sức chứa hơn 150 người), hang Quân y, hang Thanh Niên, hang của Ban Chỉ huy quân sự, hang của Ban Tuyên huấn và hang Tiên Nữ… Mỗi hang đều mang một vẻ đẹp độc đáo với những khối đá đan xen muôn hình vạn trạng.
Rừng cây sao Tri Tôn An Giang
Rừng cây sao Tri Tôn An Giang là địa điểm check in thú vị của giới trẻ. Không khí xanh với hàng ngàn cây sao khiến trái tim những người yêu thiên nhiên phải loạn nhịp. Những nền cây sao trùng điệp cao vút tạo thành background tuyệt vời cho các tín đồ sống ảo.
Bạn còn có thể dừng lại dưới những bóng mát để cắm trại tại đây. Nơi đây gần như là địa điểm lý tưởng khi du lịch Tri Tôn An Giang khi nó nằm giữa đoạn đường du lịch.
Vi Vu Những Cánh Đồng Lúa
Nếu nói đến du lịch An Giang người ta không khỏi nghĩ ngay đến những cánh đồng lúa. Nơi đây, bạn sẽ được tận hưỡng khoảng không rộng rãi, thoáng mát và đôi khi nghe được mùi sữa non của lúa nữa.
Nếu đi vào mùa nước nổi, những cách đồng lúa ấy bao phủ bởi nước, cực kỳ thú vị.
Điều khác biệt nhất mà bạn khó có thể thấy được nới đâu khác có là xen kẻ những ô vuông trồng lúa là những cây thốt nốt cao vời vời tạo nên một khung cảnh thơ mộng lúc chiều tà.
Gà Đốt Ô Thum
Du Lịch địa điểm này, nhất quyết bạn phải thưởng thức một món ăn cực kỳ nổi tiếng khác, hấp dẫn thực khách gần xa đó là món gà đốt lá chúc Ô Thum. Món gà đốt Ô Thum có nguồn gốc từ Campuchia, du nhập vào vùng Bảy Núi An Giang từ lâu, và trở thành món đặc sản vang danh khắp chốn.
Hương vị thơm ngon đặc trưng của món gà này khiến thực khách phải vấn vương, và không đâu có thể tạo nên một hương vị đặc trưng đến vậy.
Cây Thốt Nốt Trái Tim An Giang
Cây Thốt Nốt Trái Tim An Giang là địa điểm check in thu hút nhiều giới trẻ đến chụp ảnh. Khung cảnh đồng lúa hữu tình xa xa cùng với hình dáng trái tim trên ngọn, một biểu trưng ý nghĩa thú vị của vùng đất Tri Tôn, An Giang. Nơi đây cũng khá thuận tiện đường đi du lịch khi là điểm nối giữa hồ Ô Thum và hồ Tà Pạ.
Lưu ý: Ngay cạnh điểm check in thốt nốt trái tim cũng có quán bán gà đốt Ô Thum, nhưng sẽ không đã bằng quán ăn cạnh hồ Ô Thum.
Cây Thốt Lốt Và Các Sản Phẩm Liên Quan
Cây thốt nốt gắn liền với đời sống sinh hoạt của người An Giang từ bao đời nay. Cây thốt nhiều nhất, nổi tiếng nhất ở vùng Thất Sơn (hay còn gọi là vùng Bảy Núi) thuộc địa phận huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Vì thế, nơi đây được xem là “xứ sở của thốt nốt An Giang”.
Thốt nốt gắn liền với đời sống người dân nơi đây. Lá cây thốt nốt có thể dùng lợp nhà hay làm chất đốt. Thân cây thốt nốt có thể dùng làm cột nhà, bàn ghế đều được.
Đặc biệt trái thốt nốt là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn đặc sản, dân dã là đặc sản xứ An Giang. Nổi tiếng là cơm lấy từ trái thốt nốt, nước thốt nốt tươi ngọt mát, đường tán thốt nốt, chè thốt nốt nốt, hay bánh gói, bánh bò…
Một Số Lưu Ý Khi Đi Du Lịch An Giang
Để đảm bảo an toàn, và hãy là du khách văn minh cần trang bị cho mình những dụng cụ cần thiết để trải nghiệm như:
- Mặc quần áo dài tay, áo mưa đi vào mùa mưa
- Trang phục phù hợp không gian truyền thống, tâm linh.
- Trang bị trang bị mũ nón để tránh nắng khi đi tham quan ngoài trời.
- Mang theo thuốc bôi hoặc xịt chống côn trùng
- Không tổ chức nấu nướng sử dụng lửa, phòng tránh cháy rừng
Địa Điểm Du Lịch An Giang
Khi đến tham quan, trải nghiệm du lịch An Giang, nếu còn thời gian, du khách có thể tham quan trải nghiệm một số điểm du lịch đặc sắc khác của An Giang như:
- Khu du lịch Núi Sam
- Khu du lịch Lâm Viên – Núi Cấm
- Rừng Tràm Trà Sư – Văn Giáo
- Búng Bình Thiên
- Vía Bà Chúa Xứ
- Lăng Thoại ngọc Hầu – Lăng Ông
- Chùa Thầy Tây An
- Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng
- Khu du lịch Đồi Tức Dụp
- Nhà mồ Ba Chúc – Tri Tôn
- Lễ hội đua bò Tri Tôn
- Và trải nghiệm ẩm thực Đặc sản An Giang như: các món từ cây thốt lốt, mắm cá Châu Đốc, tung lò mò, bánh canh Vĩnh Trung, gà đốt lá chúc, bún cá Châu Đốc, và các đặc sản khác…
Như vậy, Quý khách sẽ có một trải nghiệm thật là khó quên cho chuyến hành trình đến với du lịch An Giang. Bạn đã từng tham quan An Giang chưa? Nếu có, hãy cho chúng tôi biết những ấn tượng của bạn về An Giang nhé!
Tổng hợp và tham khảo: Wikipedia, Ipec, Sở du lịch An Giang, Tổng cục du lịch Việt Nam.
Theo dõi chúng tôi:
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ DU LỊCH ĐẤT MŨI XANH
ĐC: SỐ 01 TẠ AN KHƯƠNG, PHƯỜNG 5, TP. CÀ MAU
HOTLINE: 0916.193.169 – 0909.66.86.87 (Ms Loan)
Facebook: Bích Loan Trần (0916.193.169)
Fanpage: Du lịch Đất Mũi Xanh Cà Mau (Greenlandtourist)