Di chỉ Óc Eo An Giang không chỉ là một di tích của tỉnh, mà còn là một trung tâm văn hóa cổ của đồng bằng sông Cửu Long, một hình mẫu của sự kết hợp những yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong sự phát triển; một vốn quý và điểm chốt quan trọng trong việc nghiên cứu những vấn đề lịch sử văn hóa của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Nếu bạn là người thích nghiên cứu văn hóa và khảo cổ thì đây là 1 địa điểm du lịch An Giang không thể bỏ qua.
Tóm Tắt Nội dung
Di tích khảo cổ Nam Linh Sơn Tự
Khu di tích khảo cổ Gò Cây Thị
Di Chỉ Óc Eo An Giang
Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê nằm trên địa bàn thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, có tổng diện tích quy hoạch bảo tồn khoảng 433,2 ha; trong đó, diện tích khu vực sườn và chân núi Ba Thê (khu A) là 143,9 ha, cánh đồng Óc Eo (khu B) là 289,3 ha.
Di tích gồm các loại hình tiêu biểu: di tích kiến trúc, di chỉ cư trú, di chỉ mộ táng, di chỉ xưởng, hệ thống giao thông thủy, baray (hồ chứa nước).
Ngày 27 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê là di tích quốc gia đặc biệt.
Di tích khảo cổ Nam Linh Sơn Tự
Nam Linh Sơn Tự là một di tích “kiến trúc và mộ táng” tiêu biểu nằm trong quần thể di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Việt Nam.
Di tích khảo cổ Nam Linh Sơn Tự nằm trên sườn phía Đông của núi Ba Thê ở độ cao khoảng 30 m so với mặt nước biển, và cách chùa Linh Sơn (Ba Thê) về phía Nam khoảng 60 m.
Di tích có niên đại từ thế kỷ 1 sau Công nguyên và tiếp tục tồn tại cho đến thế kỷ 7 thì tiêu vong và bị đất, cát chôn vùi. Kiến trúc này phản ánh một trình độ văn minh khá cao của dân cư cổ Phù Nam thuộc châu thổ sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng hơn 10 thế kỷ trước.
Trước đây, khu vực di tích đã được người Pháp khảo sát. Đến những năm 1993 – 1994 và 1998 – 1999, các nhà khảo cổ (chủ yếu là người Việt) lại tổ chức các cuộc khai quật, và đã tìm thấy hai loại hình di tích văn hóa Óc Eo, đó là di tích kiến trúc và mộ táng. Cả hai loại hình này đều có ở di tích khảo cổ Nam Linh Sơn Tự.
Về kiến trúc, di tích Nam Linh Sơn Tự là một kiến trúc cung đình mang tính chất tôn giáo, có chiều dài khoảng 22 m, rộng 17 m, trải dài trên một diện tích 200 m chia thành nhiều ngăn lớn nhỏ, có sân trong và đường cong thoát nước gồm 1 hoặc 2 tầng được xây bằng gạch và đá.
Những dấu vết đã tìm thấy của đường móng tiếp giáp sinh thổ ở độ sâu 2 m so với mặt gò. Kiến trúc này có ít nhất là 2 giai đoạn xây dựng và sử dụng:
– Giai đoạn sớm (khoảng thế kỷ 2 sau Công nguyên): Bên dưới chỉ còn lại mộ, được xây dựng bằng gạch. Cổ vật tìm thấy trong tầng văn hóa này là gốm mịn Óc Eo như: bát, vung, bình, chum, vàng…
– Giai đoạn muộn (khoảng thế kỷ 7 sau Công nguyên): Có dùng thêm đá để xây móng và vách ngăn. Trong tầng văn hóa này ngoài gốm mịn Óc Eo, còn xuất hiện ngói lợp và các loại gốm muộn khác, gốm thô thông dụng như: nồi nấu, đồ đựng, đồ đá.
Ngoài phần kiến trúc trên, cuộc khai quật năm 1999, đã làm xuất lộ toàn bộ phần chính của công trình kiến trúc ấy, có chiều rộng 17,5 m, dài 20,5 m, quay mặt về hướng Đông gồm các đường móng, vỉa bằng đá và gạch. Những vỉa này chia kiến trúc thành nhiều cấu trúc lớn nhỏ khác nhau gồm: sàn, nền, sân, hành lang, bậc thềm, cống thoát nước.
Đặc biệt, trong tầng văn hóa sâu nhất và xưa nhất của di tích kiến trúc đã phát hiện mộ chum cải táng. Chum được chôn trong lớp cát phân hủy từ đá hoa cương. Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ đã phát hiện mộ chum trong một di chỉ Óc Eo.
Ngày 12 tháng 2 năm 2004, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký Quyết định số 39/2002/QĐ-BVHTT công nhận di tích Nam Linh Sơn Tự là Di tích cấp quốc gia.
Năm 2012, di tích lại được liệt là một di chỉ kiến trúc và mộ táng tiêu biểu trong quần thể Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê đã được Thủ tướng Việt Nam xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2012.
Khu di tích khảo cổ Gò Cây Thị
Khu di tích khảo cổ Gò Cây Thị nằm giữa một cánh đồng trồng lúa rộng lớn ở thị trấn Óc Eo, thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Việt Nam.
Di tích Óc Eo đã được nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret ở Viện Viễn Đông Bác cổ phát hiện năm 1942 và được khai quật lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1944 tại nhiều địa điểm khác nhau, trong đó có di tích khảo cổ Gò Cây Thị.
Di tích khảo cổ phát hiện lúc bấy giờ là một nền móng kiến trúc có diện tích 488,88 m, nằm trên cánh đồng Óc Eo, cách Giồng Cát về phía Đông khoảng 500 m và cách di tích Nam Linh Sơn trên triền núi Ba Thê khoảng 1.600 m về phía Tây.
Năm 1999, một cuộc khai quật khác lại được tiến hành ở khu vực này, và đã tìm thấy một nền móng khác có diện tích là 194,555 m (dài 16, 7 m x rộng 11,65 m), nằm cách di tích trên có 22 m về hướng Bắc.
Cả hai đều là loại kiến trúc cung đình mang tính chất tôn giáo, và có niên đại vào khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 7 sau Công nguyên. Để phân biệt, các nhà khảo cổ đã gọi nền móng phát hiện năm 1944 là di tích Gò Cây Thị A, và nền móng phát hiện năm 1999 là di tích Gò Cây Thị B.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng hai di tích kiến trúc A và B ở Gò Cây Thị là di tích khảo cổ theo Quyết định số 39/2002/QĐ-BVHTT ngày 30 tháng 12 năm 2002, và là 2 trong số các di tích thuộc Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2012.
Văn Hóa Óc Eo Là Gì?
Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7 sau Công Nguyên. Đây là một nền văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với đất nước, con người ở vùng châu thổ hạ lưu sông Mê Kông và có quan hệ mật thiết với lịch sử Đông Nam Á cổ đại.
Óc Eo vốn là tên một gò đất trên cánh đồng phía đông nam núi Ba Thê (nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), là nơi đầu tiên tìm thấy những di chỉ quan trọng của nền văn minh này vào năm 1944.
Văn hóa Óc Eo là nền văn hóa bản địa gắn liền với sự tồn tại của Phù Nam – một vương quốc hùng mạnh tại Đông Nam Á trong những thế kỷ đầu Công nguyên.
Phạm vi phân bố của nền văn hóa này trải rộng không chỉ ở Nam Bộ Việt Nam, mà còn ảnh hưởng sang Campuchia, Thái Lan, Myanmar và một phần Malaysia hiện nay.
Tại Nam Bộ, nhiều di tích văn hóa Óc Eo đã được khai quật ở các tỉnh thành như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai… Khu vực Óc Eo – Ba Thê được xem là trung tâm của nền văn hóa Óc Eo.
Đặc Trưng Về Văn Hóa Óc Eo
Về ăn uống, cư dân Óc Eo ăn chủ yếu là lúa gạo. Bằng chứng là những vết tích của vỏ trấu hoặc lúa và cả hạt gạo đã được tìm thấy trong nhiều di tích, ở cả vùng cao lẫn vùng thấp.
Nồi, cà ràng là những vật dụng mà người Phù Nam sử dụng để đun nấu. Cà ràng là bếp lò, là vật dụng quen thuộc được những cư dân vùng sông nước, ven biển, hay trên nhà sàn sử dụng phổ biến từ thời xa xưa.
Một loại hình hiện vật rất đặc sắc, thể hiện sự thông minh của cư dân Óc Eo chính là nắp đậy. Các loại nắp đậy bằng gốm được tìm thấy ở nhiều địa điểm khá đặc biệt vì là loại nắp đậy ngửa, được thiết kế lõm vào trong với công dụng là để đậy khít hơn và núm cầm trên mặt lõm của nắp.
Ngoài ra, những vật dụng dùng để đựng như bình, chai gốm, lọ, hũ cũng chiếm số lượng khá nhiều.
Về cư trú, cư dân Óc Eo sống trên các nhà sàn bằng gỗ ven hệ thống sông rạch tự nhiên và nhân tạo, mái lợp lá hoặc ngói; hoặc chọn các gò, giồng cao xây dựng những trung tâm sinh hoạt tinh thần, mở rộng khu vực xung quanh làm nơi cư trú, tiến đến mở rộng địa bàn canh tác.
Về di chuyển: Để thuận tiện cho việc đi lại trên môi trường nhiều sông ngòi kênh rạch, cư dân ở đây chủ yếu dựa vào thuyền bè. Trên bộ họ vận chuyển bằng voi, trâu, bò… Các hình ngựa, hình bò được khắc trên những lá vàng được tìm thấy tại các di tích Đá Nổi, Gò Tháp, Gò Thành, Gò Xoài. Xương trâu bò và xương voi cũng được tìm thấy khá nhiều trong các di tích cư trú và kiến trúc.
Về trang phục, những nét cơ bản về cách ăn mặc của cư dân vào thời đại Óc Eo: phụ nữ mặc váy dài, phần trên để trần hoặc phủ kín; đàn ông đóng khố ngắn, phần trên để trần; cả nam lẫn nữ đều đeo nhiều đồ trang sức, bùa chú…
Về tục chôn cất người chết của cư dân Phù Nam có 4 cách là hỏa táng (thiêu xác), thủy táng (thả xác xuống sông, biển), điểu táng (đưa xác lên đài cao cho chim rỉa xác) và thổ táng (mai táng huyệt đất). Các tục táng này cũng có ở Lâm Ấp (Chăm Pa), Mã Lai, Ấn Độ…
Hầu hết những mộ táng khai quật ở thời kỳ Óc Eo đều là các khu hỏa táng với dạng phổ biến gồm một phần trung tâm hình khối dựng bằng gạch, đá.
Ngoài ra tro cốt người chết cũng được đựng trong các chum nhỏ chôn ở những nơi cao ráo. Những vật tùy táng của người chết cho thấy cư dân cổ quan niệm thế giới bên kia có thể giống xã hội hiện tại nên người chết cũng cần có bình, chum, đồ nghề thủ công, trang sức, vũ khí…
Di Chỉ Óc Eo & Hơn Thế
Đừng quên kết nối những địa điểm du lịch gần với Di Chỉ Óc Eo, và những điều không thể bỏ qua:
Chùa Linh Sơn – Ba Thê
Chùa Linh Sơn còn được gọi là chùa Phật bốn tay núi Ba Thê, tọa lạc tại xã Vọng Thê (nay là thị trấn Óc Eo), huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Việt Nam. Đây là một di tích cấp quốc gia, và là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của tỉnh.
Chùa Linh Sơn được xây dựng vào năm 1913 (và được trùng tu mấy năm gần đây), cách chợ Vọng Thê khoảng 2 km về hướng đông. Ngôi chùa nằm trên nền một gò đất cao, bên những đại thụ râm mát, nơi triền núi Ba Thê, cạnh khu Di tích khảo cổ Nam Linh Sơn Tự thuộc nền văn hóa Óc Eo.
Chùa Ba Thê – Kal Bô Prưk
Chùa Ba Thê nằm ở Thoại Sơn, An Giang là ngôi chùa Khmer có tên Kal Bô Prưk. Đây là ngôi chùa cổ có hơn 200 năm lịch sử nằm ở triền núi. Kiến trúc mang đậm nét của người Khmer, gần di tích Óc Eo xưa. Đặc biệt, xung quanh là cảnh quan rừng cây bao phủ xanh mát, một địa điểm check in khám phá thú vị ở Thoại Sơn, An Giang.
Vi Vu Những Cánh Đồng Lúa
Nếu nói đến du lịch An Giang người ta không khỏi nghĩ ngay đến những cánh đồng lúa. Nơi đây, bạn sẽ được tận hưỡng khoảng không rộng rãi, thoáng mát và đôi khi nghe được mùi sữa non của lúa nữa.
Nếu đi vào mùa nước nổi, những cách đồng lúa ấy bao phủ bởi nước, cực kỳ thú vị.
Điều khác biệt nhất mà bạn khó có thể thấy được nới đâu khác có là xen kẻ những ô vuông trồng lúa là những cây thốt nốt cao vời vời tạo nên một khung cảnh thơ mộng lúc chiều tà.
Gà Đốt Ô Thum
Du Lịch địa điểm này, nhất quyết bạn phải thưởng thức một món ăn cực kỳ nổi tiếng khác, hấp dẫn thực khách gần xa đó là món gà đốt lá chúc Ô Thum. Món gà đốt Ô Thum có nguồn gốc từ Campuchia, du nhập vào vùng Bảy Núi An Giang từ lâu, và trở thành món đặc sản vang danh khắp chốn.
Hương vị thơm ngon đặc trưng của món gà này khiến thực khách phải vấn vương, và không đâu có thể tạo nên một hương vị đặc trưng đến vậy.
Cây Thốt Nốt Trái Tim An Giang
Cây Thốt Nốt Trái Tim An Giang là địa điểm check in thu hút nhiều giới trẻ đến chụp ảnh. Khung cảnh đồng lúa hữu tình xa xa cùng với hình dáng trái tim trên ngọn, một biểu trưng ý nghĩa thú vị của vùng đất Tri Tôn, An Giang. Nơi đây cũng khá thuận tiện đường đi du lịch khi là điểm nối giữa hồ Ô Thum và hồ Tà Pạ.
Lưu ý: Ngay cạnh điểm check in thốt nốt trái tim cũng có quán bán gà đốt Ô Thum, nhưng sẽ không đã bằng quán ăn cạnh hồ Ô Thum.
Cây Thốt Lốt Và Các Sản Phẩm Liên Quan
Cây thốt nốt gắn liền với đời sống sinh hoạt của người An Giang từ bao đời nay. Cây thốt nhiều nhất, nổi tiếng nhất ở vùng Thất Sơn (hay còn gọi là vùng Bảy Núi) thuộc địa phận huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Vì thế, nơi đây được xem là “xứ sở của thốt nốt An Giang”.
Thốt nốt gắn liền với đời sống người dân nơi đây. Lá cây thốt nốt có thể dùng lợp nhà hay làm chất đốt. Thân cây thốt nốt có thể dùng làm cột nhà, bàn ghế đều được.
Đặc biệt trái thốt nốt là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn đặc sản, dân dã là đặc sản xứ An Giang. Nổi tiếng là cơm lấy từ trái thốt nốt, nước thốt nốt tươi ngọt mát, đường tán thốt nốt, chè thốt nốt nốt, hay bánh gói, bánh bò…
Một Số Lưu Ý Khi Đi Du Lịch An Giang
Để đảm bảo an toàn, và hãy là du khách văn minh cần trang bị cho mình những dụng cụ cần thiết để trải nghiệm như:
- Mặc quần áo dài tay, áo mưa đi vào mùa mưa
- Trang phục phù hợp không gian truyền thống, tâm linh.
- Trang bị trang bị mũ nón để tránh nắng khi đi tham quan ngoài trời.
- Mang theo thuốc bôi hoặc xịt chống côn trùng
- Không tổ chức nấu nướng sử dụng lửa, phòng tránh cháy rừng
Địa Điểm Du Lịch An Giang
Khi đến tham quan, trải nghiệm du lịch An Giang, nếu còn thời gian, du khách có thể tham quan trải nghiệm một số điểm du lịch đặc sắc khác của An Giang như:
- Khu du lịch Núi Sam
- Khu du lịch Lâm Viên – Núi Cấm
- Rừng Tràm Trà Sư – Văn Giáo
- Búng Bình Thiên
- Vía Bà Chúa Xứ
- Lăng Thoại ngọc Hầu – Lăng Ông
- Chùa Thầy Tây An
- Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng
- Khu du lịch Đồi Tức Dụp
- Nhà mồ Ba Chúc – Tri Tôn
- Lễ hội đua bò Tri Tôn
- Và trải nghiệm ẩm thực Đặc sản An Giang như: các món từ cây thốt lốt, mắm cá Châu Đốc, tung lò mò, bánh canh Vĩnh Trung, gà đốt lá chúc, bún cá Châu Đốc, và các đặc sản khác…
Như vậy, Quý khách sẽ có một trải nghiệm thật là khó quên cho chuyến hành trình đến với du lịch An Giang. Bạn đã từng tham quan An Giang chưa? Nếu có, hãy cho chúng tôi biết những ấn tượng của bạn về An Giang nhé!
Tổng hợp và tham khảo: Wikipedia, Ipec, Sở du lịch An Giang, Tổng cục du lịch Việt Nam.
Theo dõi chúng tôi:
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ DU LỊCH ĐẤT MŨI XANH
ĐC: SỐ 01 TẠ AN KHƯƠNG, PHƯỜNG 5, TP. CÀ MAU
HOTLINE: 0916.193.169 – 0909.66.86.87 (Ms Loan)
Facebook: Bích Loan Trần (0916.193.169)
Fanpage: Du lịch Đất Mũi Xanh Cà Mau (Greenlandtourist)
Tag: Di Chỉ Óc Eo, Di Chỉ Óc Eo An Giang, Văn Hóa Óc Eo, Nền Văn Hóa Óc Eo, Văn Hóa Óc Eo Là Gì, Nhà Trưng Bày Văn Hóa Óc Eo, Du Lịch An Giang