Mắm Châu Đốc An Giang là món thiên nhiên ban tặng, cộng với kinh nghiệm làm mắm gia truyền mang đến cho TP. Châu Đốc một đặc sản riêng, điểm nhấn trong phát triển du lịch du lịch An Giang.
Tóm Tắt Nội Dung
Các Hiệu Mắm Châu Đốc Nổi Tiếng
Châu Đốc – “Vương Quốc Mắm”?
Cùng với lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức hàng năm, TP. Châu Đốc (An Giang) còn nổi tiếng với đặc sản mắm. Thật không ngoa khi cho rằng, Châu Đốc là “vương quốc mắm của Nam Bộ”, bởi ở đây có nhiều cơ sở chế biến hàng chục loại mắm khác nhau. Với nhiều hương vị độc đáo, mắm Châu Đốc là một trong những món quà không thể thiếu khi du khách đến tham quan, du lịch.
Châu Đốc là vùng đất giàu truyền thống, từng ghi đậm dấu ấn của các danh tướng, những bậc tiền hiền có công khai phá, mở mang bờ cõi, giữ vững biên cương Tổ quốc.
Ngoài ra, Châu Đốc còn nổi tiếng với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, thu hút đông du khách thập phương như: khu du lịch núi Sam, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang…
Vì sao mắm Châu Đốc An Giang ngon nức tiếng?
Nhờ có vị trí địa lý đặc thù, nằm bên cạnh sông Hậu cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt nên nơi đây có nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng về chủng loại. Cũng chính nhờ “món quà quý” thiên nhiên ban tặng này, từ lâu các hộ dân nơi đây đã hình thành và phát triển nghề làm mắm cho đến nay.
Theo các bậc cao niên ở đây cho biết, ngày xưa do trên các con sông, kênh, rạch có quá nhiều cá, tôm… nhất là vào mùa nước nổi, người dân đánh bắt khá nhiều, ăn không hết nên làm mắm, làm khô để dùng dần.
Đây là cách dự trữ nguồn thực phẩm khá hiệu quả và phổ biến vào thời điểm đó, vì có thể để lâu. Nếu trước đây, mắm làm ra để ăn vì nhà nào cũng làm, còn bây giờ mắm làm ra để bán.
Đến TP. Châu Đốc, du khách sẽ được thưởng thức các loại mắm đặc sản khác nhau, từ mắm cá lóc, mắm cá trèn, mắm cá linh cho đến mắm sặc, cá chốt, cá mè vinh…
Các Hiệu Mắm Châu Đốc Nổi Tiếng
Hiện nay, ở TP. Châu Đốc có rất nhiều cơ sở làm mắm và hàng trăm cửa hàng kinh doanh mắm các loại. Mỗi cơ sở có một “bí quyết” chế biến khác nhau nên hương vị mắm cũng khác nhau, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng.
Những cơ sở làm mắm ngon đều có tính cách gia đình và gia truyền. Trong đó có nhiều cơ sở nổi tiếng được người dân và du khách khắp nơi biết đến, như: mắm Bà Giáo Khỏe, mắm Bà Giáo Thảo, mắm 9999, mắm 6666… Ngoài việc sản xuất để bán thị trường trong nước, mắm còn được xuất khẩu sang Campuchia.
Mỗi năm, TP. Châu Đốc đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, du lịch. Điều này đã góp phần làm cho làng nghề làm mắm ở địa phương vốn đã có nền tảng vững chắc ngày càng trở nên thịnh vượng và phát triển.
Để giữ chân khách hàng, những người làm nghề mắm ngày càng chú ý đến việc đầu tư trang thiết bị sản xuất, cải tiến quy trình, thay đổi mẫu mã để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa có mẫu mã, bao bì đẹp, tiện dụng, giúp khách hàng ở xa có thể mua làm quà tặng người thân.
Bên cạnh các mặt hàng mắm nổi tiếng còn có cá đồng làm khô, với hàng trăm loại được bày bán tại “Vương quốc” mắm Châu Đốc. Nổi tiếng nhất là các loại khô: cá lóc, cá tra phồng, cá sặc, cá chạch, cá chốt, cá lòng tong… Giá bán các loại khô dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/kg.
Việc tận dụng món thiên nhiên ban tặng, cộng với kinh nghiệm làm mắm gia truyền mang đến cho TP. Châu Đốc một đặc sản riêng, điểm nhấn trong phát triển du lịch.
Các Loại Mắm Ngon
Mắm Châu Đốc có rất nhiều loại như mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm cá trèn, mắm cá linh, mắm thái…Đây là cá loại mắm được bán chạy và yêu thích.
Mắm cá lóc
Mắm cá lóc là một món ngon đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, nhưng nói đến ngon nhất thì chỉ có mắm cá lóc ở Châu Đốc, An Giang.
“Nam Bộ ai mà không biết ăn mắm. Từ những thị tứ đông đúc, đến các nơi hẻo lánh xa xôi, bất cứ chợ lớn, chợ nhỏ nào cũng đều có bán mắm. Mà mắm lóc trứ danh lừng lẫy từ xưa nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh là mắm Châu Đốc-Long Xuyên.”
Chính nhà văn Đoàn Giỏi trong những năm xa cách quê hương miền Tây để tập kết ra Bắc, nhớ da diết món mắm cá lóc trứ danh Nam Bộ nên đã ký thác qua tác phẩm Đất rừng phương Nam nghe mà phát thèm.
Mắm cá lóc nấu gì ngon?
Mắm chưng
Mắm này khi ăn người ta thường đem chưng với thịt băm và trứng hoặc cũng có thể đem lên kho với nước dừa cho dậy lên mùi thơm nức mũi, ăn kèm với rau sống thì ngon không cưỡng lại được. Chính vì thế mà người dân Nam Bộ mới phát ghiền cái món dân dã hồn quê này.
Mắm cá lóc chưng ăn cùng với rau dừa, hẹ nước, chuối chát, khóm. Dĩa rau xanh đặt cạnh dĩa cá lóc vàng rươm. Đây là vừa thức ăn ăn cơm, nhưng cũng là món mồi “bén” với vài ly rượu đế.
Hoặc Mắm cá lóc mà nấu nước lèo, chỉ cần ngửi thôi, đã thấy mùi thơm hấp dẫn vô cùng. Nhiều người nhỏ to tâm sự và thưởng thức qua tô bún thơm ngon được chế biến từ mắm cá lóc và cốc rượu chân tình của người dân An Giang, mới thấy nhiều niềm vui, vì thế mà tiền nhân có câu “miếng ngon nhớ lâu”.
Mắm cá lóc ăn với bún chỉ có no mới buông đũa, chớ không biết chán. Thật vậy, một hương vị đậm đà kỳ lạ của mắm cá lóc có sức hấp dẫn cực kỳ.
Mắm cá lóc có nhiều cách ăn, nhưng ngon nhất vẫn là bún mắm và lẩu mắm.
Bún mắm: Tùy theo số người nhiều ít, bỏ mắm vô nồi, đổ nước nấu sôi, cho mắm rã hết thịt ra, lược xương bỏ đi. Bì, thịt heo ba rọi luộc chính, thái nhỏ, trộn với thính, tép đất luộc vừa chín tới, lột vỏ bỏ đầu.
Các loại rau: bắp chuối, rau muống bào mỏng, giá, rau thơm, hẹ cắt khúc, tỏi phi mỡ, chanh, ớt, nước mắm ngon, giấm, bột ngọt cho vào tô trộn đều với bún, bì, thịt heo, nặn một chút chanh, chan nước lèo nhiều ít tùy thích, vừa ăn vừa thổi nóng càng ngon, đậm đà hương vị.
Lẩu mắm: Cũng tùy số người nhiều ít mà thực hiện. Vẫn cho mắm vô nồi, đổ nước đun sôi mắm rã thịt, lược xương bỏ đi, múc nước lèo đổ vào lẩu, than trong lẩu quạt cho đỏ rực, nước lèo sôi sùng sục, cá kèo còn tươi rửa sạch, cắt khúc, thịt ba rọi để sống thái mỏng từng miếng, thả vào lẩu. Khi ăn lẩu mắm phải có nhiều rau, càng ngon: rau nhút, rau ngò, rau tần ô, đậu bắp, cải xanh, cà tía dài… cùng nhiều loại rau thơm mới hấp dẫn.
Mắm Cá Linh
Cá linh là loại cá đặc sản miền Sông Nước bởi khi thấy con nước lên là mùa cá linh về. Vào đầu mùa nước nổi cá linh về rất nhiều, bà con chỉ cần quăng chài, lưới theo con nước là có đầy ấp ghe cá linh chở về.
Những người con xa quê khi nhắc về món cá linh lại nhớ da diết về những món ăn rất đỗi thân thuộc nhưng trở thành đặc sản vùng sông nước Miền Tây khi con nước về: Lẩu mắm cá linh, canh chua cá linh, cá linh kho lạt (nhạt)…
Khi cá về nhiều quá bà con dùng không hết thì lại nghĩ ngay đến làm mắm cá linh để có thể trữ dần dùng cho cả năm và gửi làm quà biếu cho họ hàng ở phương xa.
Dần dần, món mắm cá linh trở thành món đặc sản vùng đất Nam Bộ tự hồi nào mà người dân nơi đây cũng không hề hay biết. Mắm cá linh có thể chế biến rất nhiều món ăn đậm vị, đặc sắc mà khi đã ăn rồi là nhớ mãi.
Mắm cá linh nấu gì ngon?
Mắm cá linh là món ăn đặc sản của bà con vùng đất Miền Tây nên được bà con chế biến ra nhiều món ăn đặc trưng, mà nghe đến thôi cũng đã thèm.
Tiện lợi và nhanh nhất là món mắm cá linh trộn chua ngọt:
Mắm cá linh trộn
Mắm cá linh nguyên con
Gia vị: Chanh, ớt, tỏi, rau răm, đường, bột ngọt
Cách thực hiện:
Mắm cá linh cho vào cái tô
Sau đó cho nước cốt chanh, tỏi, ớt băm nhuyễn vào, cho thêm đường và bột ngọt ( mắm thường có vị vừa ăn nhưng tùy theo khẩu vị cả gia đình các bạn có thể để thêm cho vừa miệng).
Trộn đều hỗn hợp lên và để khoảng 5-10 phút cho mắm ngấm đều gia vị. Sau đó cho rau răm vào và thưởng thức thôi nào. Đây là món ăn khá đơn giản bạn có thể dùng kèm cơm, rau sống và dưa leo là tuyệt vời nhé.
Lẩu mắm cá linh:
Nguyên liệu:
Mắm cá linh
Rau củ: Cà tím, đậu bắp, khổ qua cắt khúc,
Cá thịt: Tôm, cá basa thái khoanh, thịt heo cắt miếng, mực ống cắt nhỏ.
Gia vị: Muối, đường, bột ngọt, nước mắm, sả băm, ớt…
Cách thực hiện:
Cho lượng mắm cá linh vừa đủ vào nồi nước đun sôi, đảo đều và nấu mắm cho đến khi tan hoàn toàn. Sau đó lọc lấy nước bỏ xương cá.
Tiếp theo cho tỏi, sả băm vào nồi với ít dùng phi cho tỏi vừa vàng và thơm thì cho thịt ba chỉ đã cắt cùng gia vị vào, trộn đều cho thịt săn lại. Sau đó cho phần nước mắm đã lọc sạch xương vào nồi. Cho thêm gia vị, nước và nêm vừa khẩu vị. Tiếp theo cho khổ qua, cà tím, đậu bắp vào nấu cho vừa chín tới.
Và bây giờ chỉ cần cho nước lẩu ra bếp, cho thêm các loại thịt, tôm, mực, cá và rau vào và dùng thôi nhé.
Mắm Cá sặc
Mắm cá sặc là một loại mắm được làm từ những con cá sặc màu trắng bạc, vảy li ti như thủy tinh lấp lánh, là loài cá nước ngọt vùng tây nam bộ. Cá sặc được người dân vùng Châu Đốc An Giang muối và làm thành mắm theo công thức gia truyền bao đời qua.
Mắm cá sặc là đặc sản nổi tiếng vùng bảy núi này. Mắm cá sặc không những mang lại những bữa ăn đậm chất quê hương cho người dân trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này mà còn được xuất đi nước ngoài phụ vụ cho những bà con xa xứ bên hải ngoại.
Mắm cá sặc làm gì ngon?
- Mắm cá sặc chỉ cần làm ớt tỏi, gia vị đường, thêm tí chanh nữa là dùng với rau sống, cơm trắng cũng làm cho bạn ngon miệng.
- Mắm cá sặc chưng thịt, trứng, nấm cũng là món ăn khoái khẩu cho nhiều người. Mùa mưa mà làm chén mắm chưng thì khỏi phải nói, ăn cơm nó ngon gì đâu áh.
- Mắm cá sặc mà kết hợp với mắm cá linh thì làm món bún nước lèo miền tây ngon bá cháy. Hai loại mắm này bổ trợ và kết hợp với nhau tạo nên nồi nước lèo đúng chuẩn. Mắm cá sặc còn được dùng để nấu lẩu mắm, lẩu mắm mà không có mắm cá sặc và cá linh thì xem như mất đi cái hồn của lẩu, không còn là lẩu mắm miền tây nữa.
- Mắm cá sặc cũng có thể dùng để kho với các loại cá khác hoặc kho với thịt ba chỉ ăn với cơm, rau sống cũng ngon bá cháy.
Mắm Cá trèn
Cá trèn là loại cá nước ngọt, gốc từ Biển Hồ – Campuchia cá trèn luôn có quanh năm để phục vụ nhu cầu ẩm thực cho người dân nơi đây.
Hằng năm, cứ theo mùa nước lũ trên dòng Mê Kông, từng đàn nối đuôi nhau về hạ nguồn sông Cửu Long rất nhiều và cũng là nguồn cho người dân nơi đây làm mắm. Thủ phủ mắm Châu Đốc An Giang là nơi mắm cá trèn được tạo ra với những công thức muối mắm gia truyền.
Mắm cá trèn là món ăn lâu đời của thủ thủ mắm, mắm cá trèn được nhiều người yêu thích. Mắm cá trèn dùng nấu lẫu mắm thì đúng chuẩn, kết hợp với mắm cá sặc sẽ tạo ra một nồi lẫu có nước lèo ngon tuyệt.
Mắm cá trèn có thể làm gỏi xoài, gỏi cóc, gỏi rau nhút cũng rất ngon và lạ miệng. Chúng ta có thể chưng mắm với thịt ba chỉ, nấm mèo ăn với cơm cũng ngon.
Mắm Thái
Mắm thái Châu Đốc là món ăn lâu đời và nó là đặc sản vùng Châu Đốc An Giang. Mắm thái dễ thưởng thức và đôi khi giải cứu cơn đói trong vòng vài phút, chỉ cần cơm trắng thì ta lấy hủ mắm thái ra sẽ giải quyết nhanh cơn đói thôi. Những cọng đu đủ giòn giòn, thịt cá lóc tan trong miệng, ăn miếng rau sống, cắn trái ớt nữa thì ta nói nó ngon làm sao.
– Thành phần chính là cá lóc, đu đủ và gia vị cần thiết.
– Mắm thái có thể dùng chung với thịt ba rọi luột cuốn bánh tráng, rau sống, chuối chát, khế chua, bún tươi…chấm với nước mắm chua ngọt.
Nếu các bạn thích ăn đu đủ nhiều thì có thể mua thêm hủ dưa mắm đu đủ kèm theo để trộn ăn dần. Dưa mắm đu đủ không có cá lóc bên trong, thành phần chính là đu đủ bạn có thể ăn chung với cơm hoặc cháo trắng, cuốn bánh tráng cũng ngon.
Tổng hợp và tham khảo: Wikipedia, Ipec, Sở du lịch An Giang, Tổng cục du lịch Việt Nam.
Theo dõi chúng tôi:
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ DU LỊCH ĐẤT MŨI XANH
ĐC: SỐ 01 TẠ AN KHƯƠNG, PHƯỜNG 5, TP. CÀ MAU
HOTLINE: 0916.193.169 – 0909.66.86.87 (Ms Loan)
Facebook: Bích Loan Trần (0916.193.169)
Fanpage: Du lịch Đất Mũi Xanh Cà Mau (Greenlandtourist)
Tag: mắm Châu Đốc, Mắm Châu Đốc An Giang, đặc sản An Giang, đặc sản An Giang , đặc sản Châu Đốc, đặc sản miền Nam, đặc sản miền Tây, đặc sản các vùng miền, món ăn đặc sản miền Nam, đặc sản Châu Đốc An Giang